Trong chiều nay 23/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật giá (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều người dân quan tâm tại dự thảo luật này là việc nên giữ hay bỏ quy định về khung giá trần vé máy bay.
Bên cạnh ý kiến cho rằng cần bỏ khung giá trần vé máy bay để theo cơ chế thị trường, tạo nền tảng phát triển lành mạnh cho hãng bay, thì cũng có ý kiến cho rằng, việc bỏ giá trần vé máy bay dễ dẫn đến việc giá vé tăng cao, khiến người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Tháng 5 bắt đầu vào đợt cao điểm du lịch. Đây cũng là cao điểm giá vé máy bay các tuyến nội địa tăng vọt hơn so với bình thường. Để mua được vé với giá hợp lý, nhiều người phải đặt trước đó cả tháng. Còn nếu không kịp thì phải cắn răng chịu giá cao, còn không thì phải chọn địa điểm và phương tiện di chuyển khác.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã từng đề xuất bỏ trần giá vé với các đường bay có sự cạnh tranh của 3 hãng trở lên, giúp các hãng hàng không chủ động trong việc triển khai giá vé linh hoạt theo phân khúc thị trường. Một số ý kiến cho rằng bỏ quy định khung trần giá, có thể giúp doanh nghiệp mở rộng cơ hội phát triển.
Theo Cục quản lý giá, Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật giá sửa đổi, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng chuyển từ khung giá sang quy định giá trần và bỏ quy định giá sàn. Việc này nhằm khuyến khích cạnh tranh để giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là giúp đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ.
Ngoài ra, dịch vụ hàng không nội địa là dịch vụ thiết yếu, tác động tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh. Nếu bỏ giá trần, đồng nghĩa với không có công cụ điều tiết, giá vé máy bay có thể tăng cao, nhất là một số tuyến cạnh tranh trong giai đoạn cao điểm. Điều này có thể ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!