Trải qua đại dịch Covid-19, mọi người dần nhận thức rõ hơn về vai trò của việc sử dụng mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền ở những khu vực vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo. Vấn đề này được bàn thảo nhiều tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở do Hội đồng dân tộc tổ chức tại Đà Nẵng hôm 6/5.
Để đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở được tốt hơn, dự thảo luật đã bổ sung và hoàn thiện Điều 10 với với 3 khoản cụ thể quy định về các hình thức, thời điểm công khai thông tin để nhân dân biết. Trong đó, bổ sung quy định hình thức công khai thông tin “thông qua mạng xã hội Zalo, Viber, Facebook" theo quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã và tại thôn, tổ dân phố. Dù đồng ý với điểm này, các đại biểu vẫn còn nhiều băn khoăn.
Ông NGUYỄN QUANG HUÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: “Chúng ta quy định cứng là dùng các mạng Viber, Facebook, Zalo. Vậy còn các mạng khác thì sao? Ví dụ như hiện nay còn Twitter, chúng ta chưa dùng nhưng các nước khác đã dùng. Chưa kể nhiều cái sau này còn ra đời nữa. Nên tôi nghĩ chúng ta chỉ nên dùng từ “mạng xã hội”, hoặc chỉ lấy ví dụ chứ chúng ta đừng dùng dấu chấm câu như thế thì người ta hiểu rằng chỉ được dùng ở những mạng xã hội như vậy thôi”.
Ông ĐẶNG BÌNH LUYẾN - nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội: “Cần quy định rõ trong dự thảo luật là những nơi không thể áp dụng hình thức công khai thông tin quy định tại các điểm d, điểm g khoản 1 Điều 10 dự thảo luật thì cần quy định rõ áp dụng hình thức phù hợp khác. Tương tự Luật Tiếp cận thông tin 2016 cũng quy định rõ trong trường hợp không áp dụng hình thức công khai thông qua trang mạng, cổng thông tin điện tử thì phải áp dụng các hình thức khác. Làm sao để bảo đảm chúng ta đáp ứng được yêu cầu sử dụng các hình thức công khai để nhân dân tiếp cận được các thông tin cần công khai”.
Cần đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của nhân dân, từ đó làm tiền đề đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật Tiếp công dân 2013 chưa quy định trách nhiệm về giải thích, giải trình nên vẫn còn nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, nguyên nhân cũng có phần do khâu tiếp công dân. Do đó, luật cần thể chế hoá công tác dân vận ngay tại cơ sở để người dân nắm bắt thông tin rõ hơn. Cũng có ý kiến cho rằng, không nên đưa Ban thanh tra nhân dân vào phạm vi điều chỉnh của luật này.
Ông NGUYỄN LÂM THÀNH - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Dân chủ cơ sở liên quan đến tự quản cộng đồng, các tổ tư vấn cộng đồng như một thiết chế. Trong phát triển kinh tế còn có ban quản lý phát triển cộng đồng nữa - 1 dạng tổ chức cộng đồng. Thanh tra nhân dân chỉ là 1 chế định nhỏ về mặt tổ chức, chỉ liên quan đến khoản thanh tra thôi. Chứ ”dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" còn rất nhiều vấn đề, liệu Thanh tra nhân dân có bao hàm được hết các vấn đề đấy không?”.
Chế định thanh tra nhân dân tại Chương V quy định, ban thanh tra nhân dân cấp xã là những người hoạt động không hưởng lương. Trong dự thảo luật cũng không có quy định kinh phí hỗ trợ ban thanh tra nhân dân cấp xã. Đây cũng là điều nhiều đại biểu quan tâm bởi ở những vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động này nếu có cũng cần kinh phí để thực hiện bởi đường sá xa xôi, khó khăn.
Thực hiện : Mỹ Phượng Lê Quang