Đưa nghị quyết vào cuộc sống: Phòng chống tham nhũng tiêu cực khu vực ngoài Nhà nước

Trước đây cứ nhắc đến chống tham nhũng chúng ta luôn mặc nhiên đối tượng chúng ta hướng đến là những cán bộ nhà nước, những người có chức, có quyền. Thế nhưng càng ngày chúng ta càng thấy tham nhũng, tiêu cực với biểu hiện ngày càng tinh vi, không chỉ diễn biến phức tạp ở khu vực công mà còn lan ra cả khu vực tư.

Không dừng lại ở những người có chức vụ, quyền hạn bị  suy thoái, biến chất mà còn có sự chủ động móc ngoặc, câu kết bài bản từ khu vực tư nhân. Thực trạng này đang là rào cản với  sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, đang là vấn đề thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. 

Từ thực tiễn tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước cho thấy việc phòng chống tham nhũng sẽ không có ý nghĩa nếu bỏ qua khu vực ngoài Nhà nước. Đây cũng chính là giải pháp song hành để phòng chống tham nhũng trong khu vực Nhà nước hiệu quả hơn.  

Bài học kinh nghiệm sâu sắc từ những vụ việc, vụ án vừa qua, đánh giá, phân tích, gợi mở của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đặc biệt là Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ là chìa khoá để mở  những “góc khuất” của tham nhũng, tiêu cực khu vực ngoài Nhà nước, để công cuộc chống tham nhũng ngoài khu vực Nhà nước được công tâm, hiệu quả hơn;  tạo sân chơi lành mạnh để khu vực doanh nghiệp đóng góp vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Công tác phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước có chất lượng, hiệu quả, giữ vững nhịp độ trong trường kỳ có vai trò rất quan trọng, là bài học kinh nghiệm quý cần tổng kết và phát huy trong các giai đoạn phát triển tiếp theo.

Hoàng Sơn