Đưa sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá để điều tiết giá

Theo Luật, giá SGK do các nhà xuất bản tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp và thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường; và thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ thông tin về giá sách. Bộ GDĐT có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa.

Đóng góp ý kiến vào Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề cập câu chuyện về sách giáo khoa: Xã hội hóa việc biên soạn sách, số đầu sách trong từng bộ sách tăng hơn rất nhiều so với sách cũ và giá giấy mực đã đẩy giá sách giáo khoa tăng lên. Vì vậy, theo đại biểu, việc tuyên truyền cũng như có những giải pháp để tăng cường ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong việc mua sắm sách giáo khoa là một trong những giải pháp cần làm. 

Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA - ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: “Tuyên truyền cũng như có những giải pháp để tăng cường ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong việc mua sắm sách giáo khoa là một trong những giải pháp cần làm. Nguyên nhân đẩy giá sách giáo khoa lên 2-4 lần không chỉ vì chi phí tăng trên từng đầu sách mà là do số lượng đầu sách. Phải có ngân sách để đầu tư cho sách giáo khoa trong các thư viện, giúp những em học sinh - con của các gia đình nghèo, dân tộc thiểu số có thể mượn sách mà không phải đi mua sách. Giáo dục ý thức tiết kiệm cho học sinh từ trên ghế nhà trường là điều cần phải thực hiện.”

Tham gia tranh luận tại phiên họp về vấn đề sách giáo khoa, đại biểu Thái Văn Thành bày tỏ đồng tình với quan điểm phải đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá. Theo đại biểu, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường công tác truyền thông rộng rãi để phụ huynh, học sinh hiểu về hai loại sách giáo khoa: sách giáo khoa bắt buộc và sách bổ trợ, tham khảo không bắt buộc phải mua.

Ông THÁI VĂN THÀNH - ĐBQH tỉnh Nghệ An: “Tôi rất đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục là phải đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá. Chúng tôi đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa trên phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Đề nghị Bộ nhân rộng mô hình này trong địa phương cả nước để hỗ trợ  học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học".

Ông NGUYỄN LÂN HIẾU - ĐBQH tỉnh Bình Định tranh luận trực tiếp với ĐB Thành: “Đổi mới sách giáo khoa là đúng đắn nhưng cách làm chưa đúng. Tạo sự cạnh tranh lành mạnh sẽ có sản phẩm tốt hơn, rẻ hơn và đứng vững theo thời gian. Chọn cách làm tường minh và khoa học thì sách giáo khoa sẽ trở lại đúng vị trí trang trọng của mình.”

Bộ GD&ĐT cho hay đã có quy định giáo viên không được sử dụng sách tham khảo để dạy học và kiểm tra, không được ép học sinh mua sách tham khảo, yêu cầu nhà trường chấn chỉnh tình trạng lạm dụng sách tham khảo. Tuy vậy, cơ chế kê khai giá như hiện nay có thể dẫn đến hiện tượng mức giá cao, thấp khác nhau, tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh, trong khi đó SGK thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn nên Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá.

Ông NGUYỄN KIM SƠN - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo : “Bộ đã chỉ đạo Nhà xuất bản thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về cung cấp sách giáo khoa cho học sinh các đối tượng thuộc chính sách xã hội, học sinh các vùng và đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục cung cấp các bản sách ở dạng PDF miễn phí để học sinh có thể tiếp cận được ngay từ khi sách bắt đầu phát hành. Một trong những giải pháp quan trọng, căn cơ mà Bộ đã và đang kiến nghị đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá”.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang rà soát tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá, trong đó sẽ tiếp tục đánh giá, báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung SGK vào danh mục Nhà nước định giá.