Đưa văn hoá Thủ đô trở thành "sức mạnh mềm" vươn tầm thế giới

Tìm kiếm các giải pháp để xây dựng nguồn lực xã hội hóa và đẩy mạnh sáng tạo Văn học nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô là một vấn đề quan trọng được đặt ra trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đây cũng là vấn đề được bàn tới trong Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát huy nguồn lực xã hội hóa, đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật trong sự nghiệp phát triển Công nghiệp văn hóa của Thủ đô” do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức.

Văn học - nghệ thuật có thể xem là xương sống, là nguồn lực của các ngành công nghiệp văn hóa, mang lại doanh thu khổng lồ. Thực tế, Văn học nghệ thuật hiện nay còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy để phát triển công nghiệp văn hóa. Do đó, việc hoàn thiện thể chế chính sách, thúc đẩy nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa đặc biệt là văn học nghệ thuật là vấn đề cần thiết được các nghệ sĩ đặt ra

KTS NGUYỄN HUY ÁNH, Ủy viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội: “Hoạt động nghệ thuật bây giờ không còn một giới hạn ở lĩnh vực nào, không còn giới hạn ở không gian nào mà nó phải hướng tới hoạt động xã hội để phục vụ, để tiếp cận, để thảo luận tương tác với công chúng thì đó là sức sống của văn hoá nghệ thuật, là động lực mới của nền công nghiệp văn hoá sáng tạo thủ đô.”

Các sản phẩm Văn học nghệ thuật được tạo ra từ sự sáng tạo của con người là tài nguyên vô tận và vô giá. Sản phẩm văn học nghệ thuật trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa sẽ góp phần nâng cao vị thế quốc gia, trở thành “sức mạnh mềm” ảnh hưởng lên toàn cầu, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa.

PGS.TS NGUYỄN THỊ HUẾ, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội: “Với xu thế phát triển công nghiệp văn hoá, tức là ta không chờ một đầu tư bao cấp …tác giả có thể chủ động phát hành và mang tính chất cập nhật để phục vụ nhu cầu người đọc, người tìm hiểu, người nghiên cứu về HN hiện nay.”

NSND TRẦN QUỐC CHIÊM, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội: “Chúng tôi rất kỳ vọng vì các văn nghệ sỹ sống trong môi trường văn hoá đc nhân dân khích lệ thì các nghệ sĩ sẽ rất tâm huyết với nghề của mình để luôn tìm tòi sáng tạo, để có tác phẩm tốt đi đến phục vụ công chúng trong và ngoài nước.”

Để công nghiệp văn hoá thủ đô phát triển toàn diện, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sáng tác, các nghệ sĩ cho rằng cần đẩy mạnh hoạt động công bố, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, phát triển thêm các hoạt động hỗ trợ sáng tạo, nâng cao chất lượng sáng tạo và kiến tạo không gian sáng tạo

Thanh Hải