Đuối nước khiến gần 2000 trẻ em Việt Nam tử vong mỗi năm

Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016 – 2020, Việt Nam có hơn 2000 trẻ tử vong do đuối nước, chiếm khoảng 50% các ca tử vong. Đây là thông tin được đưa ra tại khảo sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em” do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức diễn ra sáng 23/9.

Tại cuộc khảo sát chuyên đề về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em”, đa số các đại biểu cho rằng nhận thức của con người trong vấn đề này còn chưa đầy đủ, thiếu quyết liệt.

Bà NGUYỄN THỊ THANH HOÀ, Chủ tịch Hội Bảo vệ trẻ em Quyền trẻ em Việt Nam: “Cơ bản chúng tôi thấy là các cấp, các ngành là nhận thức được vấn đề này. Tuy nhiên chúng tôi cảm nhận là nhận thức chưa tới, chưa thể hiện trong các công tác triển khai thực hiện. Các văn bản được ban hành như thế thì gần như là coi như ban hành xong văn bản như là hoàn thành xong nghĩa vụ. Còn để giám sát, kiểm tra xem, nhắc nhở đôn đốc xem văn bản này được thực hiện như thế nào nghĩa là có kết quả cụ thể như thế nào thì tôi thấy đoạn đó còn yếu và thiếu.”

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến bày tỏ dù bản thân các em đã có kỹ năng bơi nhưng vẫn chưa đủ mà cần phải có kỹ năng sơ cứu, cứu đuối. Đặc biệt, đối với từng lứa tuổi cần chú trọng đến các phương pháp tuyên truyền khi hiện nay phần lớn các em bơi ở sông, hồ tự phát không an toàn.

Bà ĐOÀN THỊ THU HUYỀN, Tổ chức Vận động chính sách Y tế toàn cầu, Hoa Kỳ GHAI: “Theo tổ chức y tế thế giới, 1 đứa trẻ có kỹ năng an toàn và biết bơi ko phải chỉ là biết bơi nhảy xuống nước mà theo tiêu chuẩn là phải biết bơi 25m và phải nổi tổi thiểu là 90s và đứng nước. Đây là khoảng cách và thời gian đủ để 1 đứa trẻ sống sót trong 1 môi trường.”

Ông NGUYỄN VĂN HUY, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: "Cơ chế chính sách nghiên cứu làm sao hỗ trợ trong việc xã hội hoá việc dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Ở đây ví dụ như là trong trường học có địa điểm để có thể xây dựng bể bơi."

Việt Nam là quốc gia có nhiều ao, hồ, kênh, rạch, sông, suối… tiềm ẩn nguy cơ gây đuối nước. Việc phòng ngừa tai nạn thương tích ở trẻ em nói chung và đuối nước nói riêng là rất cần thiết, đòi hỏi phải có sự đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em là phải dạy trẻ kỹ năng bơi lội ngay từ nhỏ; hướng dẫn trẻ các nguyên tắc an toàn khi bơi và xử lý tình huống đuối nước. Đặc biệt, cha mẹ cần chủ động hơn trong việc quản lý và đảm bảo môi trường vui chơi an toàn cho trẻ. Có như vậy mới tránh được những rủi ro tai nạn thương tâm đối với trẻ.

Ngô Trang