Dứt khoát từ chối những luật không đủ điều kiện trình theo quy định

Tiếp tục nội dung Phiên họp thứ 10, sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật, nêu đích danh một số chính sách không đi vào cuộc sống; từ đó đề nghị, Chính phủ, các Uỷ ban của Quốc hội và Hội đồng Dân tộc thực hiện nghiêm quy trình xây dựng pháp luật để khi ban hành, luật thực sự có sức sống lâu dài.

Theo tờ trình của Chính phủ, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Cho ý kiến về nội dung này tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu nghiên cứu, đánh giá kỹ những vướng mắc trong thực tiễn hiện nay để luật hoá các quy định nhằm giải quyết điểm nghẽn.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Rất nhiều chính sách liên quan đến hợp tác xã không đi vào cuộc sống. Nghị định nói mỗi hợp tác xã được vay đến 500 triệu đồng không cần thế chấp nhưng thực tế chẳng có ngân hàng thương mại nào cho hợp tác xã vay không cần thế chấp. Như vậy là chính sách không đi vào cuộc sống, nghị định không ăn thua, phải có luật.”

Nhắc lại việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42 vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài đến hết năm 2023, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn bác bỏ kiến nghị của Chính phủ về việc ban hành Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thay vào đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc cấp bách cần làm hiện nay là phải sửa Luật Các tổ chức tín dụng. Nhưng đáng nói, trong tờ trình của Chính phủ về chương trình xây dựng luật pháp lệnh, lại hoàn toàn không đả động đến dự án luật này.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Không bao giờ có luật xử lý nợ xấu đâu, chỉ cho phép kéo dài Nghị quyết 42 đến 2023, sau thời điểm này không sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng thì đình chỉ hiệu lực Nghị quyết 42, không sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42 nữa. Hiện nay, xử lý nợ xấu có 2 hệ thống, một nợ xấu thuộc phạm vi Nghị quyết 42, còn một nợ xấu xử lý theo Luật Các tổ chức tín dụng và luật liên quan. Như vậy, trong cùng một thời điểm, một quốc gia lại xử lý nợ xấu theo hai hệ thống khác nhau.”

Ông LÊ THÀNH LONG, Bộ trưởng Bộ Tư pháp: “Luật Các tổ chức tín dụng, thống nhất cao với Chủ tịch Quốc hội, quan điểm Nghị quyết 42 chỉ là tức thì, trong một thời gian nhất định để xử lý một nhóm việc nhất định. Trên thực tế nhiều cái vướng. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, vướng vô cùng về thứ tự ưu tiên. Vướng cả Luật Phá sản xem mỗi doanh nghiệp phá sản thì ưu tiên trả lương cho công nhân trước hay để các tổ chức tín dụng siết nợ trước. Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, có cái gì luật hoá được thì sẽ xử lý trong Luật Các tổ chức tín dụng.”

Hơn 8.000 trang tài liệu được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần này là minh chứng cho thấy sự quan tâm đối với công tác xây dựng pháp luật của cả Chính phủ và Quốc hội. Khối lượng công việc là rất lớn, nhất là trong bối cảnh kiến tạo, phát triển đất nước. 

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và năm 2021 gối đầu sang 2022 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Có thể thấy rằng, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, Quốc hội có rất nhiều đổi mới. Chưa bao giờ Chính phủ họp nhiều phiên chuyên đề như thế này, chưa bao giờ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội lại xem xét các dự án luật từ sớm, từ xa, từ khi Chính phủ chưa trình nhiều lần như thế này, chưa bao giờ họp phiên bất thường mà lại cho ý kiến về nhiều luật như thế này.”

Với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa, sẵn sàng làm việc không kể ngày đêm, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không ngại khó, ngại khổ nhưng cũng dứt khoát từ chối những dự án luật không đủ điều kiện trình cho ý kiến. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các Uỷ ban của Quốc hội và Hội đồng Dân tộc thực hiện quy trình xây dựng pháp luật, có đánh giá tác động kỹ lưỡng, tránh tình trạng luật mới ban hành lại phải sửa.

Anh Tuấn