• 1316 lượt xem
  • 09:33 01/01/2022
  • COVID-19

90% bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội là nhẹ và không triệu chứng

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc theo dõi, quản lý và tiêm chủng phòng ngừa Covid là một trong những yếu tố quan trọng. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người cao tuổi, đây là những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Dữ liệu về tử vong do COVID-19 tại các nước cho thấy có sự khác biệt rõ giữa nhóm dân số chưa tiêm vaccine và nhóm đã tiêm vaccine. Nhóm dân số chưa tiêm vắc xin có tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn so với nhóm đã tiêm. Tại Việt Nam, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc theo dõi, quản lý và tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 là một trong những yếu tố quan trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người cao tuổi.

Những ngày vừa qua, số ca mắc COVID ngoài cộng đồng có xu hướng tăng nhanh theo cấp số nhân. Trong đó bệnh nhân F0 có diễn biến nặng đa phần là những nhóm đối tượng kèm theo bệnh lý nền ngoài 50 tuổi, chưa tiêm vaccine hoặc phụ nữ mang thai. Do vậy, việc theo dõi, quản lý những nhóm đối tượng này từ sớm là rất cần thiết để hạn chế những biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn:

“Chúng tôi có cả một hệ thống theo dõi cũng như để hội chẩn hình ảnh, trên zalo, trên nhóm để chúng tôi có thể quyết định bệnh nhân đó ở tầng mấy, ở nhà, hay khu cách ly hay là phải chuyển gấp lên tuyến trên. Như vậy nó sẽ kịp thời xử lý về mặt cấp cứu cũng như phân tầng cho bệnh nhân".

Ghi nhận nhanh tại bệnh viện đa khoa Hà Đông, số bệnh nhân chưa tiêm vaccine mũi 2 và bệnh lý nền đa phần là những người trên 50 tuổi chiếm số lượng tương đối đáng kể, hầu hết các bệnh nhân vào trong tình trạng nặng, suy hô hấp, thở máy. Tuy nhiên với kịch bản ứng phó phân tầng điều trị nhiều bệnh nhân hạn chế được tình trạng nguy kịch. 

Bác sĩ Lê Hoàng Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội:

“Chúng tôi đang chỉ đạo các bệnh viện tuyến dưới, khi bệnh nhân nào chuyển từ tầng 2 xuống tầng 1 thì đề nghị chuyển…..”

Hiện nay, Hà Nội đã kích hoạt hơn 40.000 giường phân cụ thể cho các tầng tại bệnh viện tuyến cơ sở. Bên cạnh đó cũng đã áp dụng phần mềm quản lý bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa tình trạng nặng vào viện cũng như hạn chế tỷ lệ tử vong thấp nhất do COVID.  

Ông Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội:

“Tỷ lệ tử vong của Hà Nội hiện đang rất thấp so với trung bình của toàn quốc là 2% còn so với thế giới là cũng trên 1,2%. Địa bàn Hà Nội có 90% các bệnh nhân F0 là nhẹ và không triệu chứng, quan trọng nhất chúng ta giảm tải ngay từ tầng 1…”

Theo Bộ Y tế, việc quản lý, bảo vệ và phát hiện sớm những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19 để kịp thời theo dõi sức khỏe, điều trị nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong rất cấp thiết. Theo đó, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tổ chức tiêm tại nhà cho người cao tuổi, người có bệnh nền, người di chuyển khó khăn, hoàn thành trong tháng 12/2021. Đồng thời, các địa phương cần chủ động đi từng ngõ, gõ từng nhà rà soát đối tượng có nguy cơ nhằm vận động, tổ chức tiêm vaccine./.