EU áp giá trần dầu mỏ với Nga liệu có hiệu quả?

Vấn đề áp giá trần dầu mỏ của Nga đang là nội dung gây ra nhiều tranh cãi giữa các thành viên Liên minh châu Âu. Cuộc họp giữa các Bộ trưởng năng lượng EU hôm 24/11 vừa qua cũng đã kết thúc mà không có được sự đồng thuận.

Trong khi đó, Nga cảnh báo những nỗ lực của phương Tây nhằm áp giá trần đối với dầu mỏ Nga có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trên thế giới. Vậy liệu những nỗ lực của EU trong vấn đề này có thực sự khả thi? Đây cũng là nội dung được nhiều hãng truyền thông và báo lớn đưa tin.

Với tiêu đề “Phương Tây đang loay hoay trong việc áp giá trần dầu mỏ nhằm gây thiệt hại cho Nga”, bài viết được hãng tin CNN đăng tải cho hay, các nước phương tây đầu năm nay đã tuyên bố sẽ đưa ra chi tiết cho kế hoạch áp giá dầu của Nga vào tháng 12 này, nhằm giảm dòng vốn hỗ trợ cho chiến lược quân sự đặc biệt của Tổng thống Putin mà không gây ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, thời hạn đang tới gần, và các quốc gia EU vẫn đang tranh cãi nên đặt ở mức giới hạn nào. Với giới hạn ở mức từ 65-70USD/thùng dầu, phạm vi này gần với giá dầu thô hiện nay của Nga trên thị trường. Điều này có nghĩa sẽ hạn chế gián đoạn nguồn cung, nhưng cũng hạn chế tổn thất cho Nga. Trong khi đó, việc đặt mức giá thấp hơn có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đặc biệt nếu Nga có động thái đáp trả.

Trong khi đó, một bài viết được hãng tin CNBC đăng tải có nhan đề “G7 có thể hạn chế giá dầu của Nga, nhưng sẽ không ảnh hưởng tới chiến dịch quân sự của Moscow”. Bài viết cho hay, với mức giá 65-70USD/thùng, ngay cả khi được chấp thuận thì nó cũng không có tác động đáng kể đến doanh thu dầu mỏ của Nga. Dẫn lời Phó Chủ tịch nghiên cứu khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng của Wood Mackenzie, Massimo Di Odoardo, cho hay mức giá này cũng gần với mức mà các thị trường châu Á đang trả cho Nga, và đó đều là ở mức chiết khấu khá lớn. Điều này “dường như không có bất kỳ ảnh hưởng nào đối với Moscow”. Trong khi đó, nhà phân tích năng lượng Pavel Molchanov cho hay, nếu áp giá trần quá cao, chúng sẽ vô nghĩa và cũng không ảnh hưởng gì tới Nga cả, nhưng nếu giá quá thấp, nó sẽ dẫn tới việc giảm nguồn cung dầu của Nga trên thị trường. Ông Molchanov nhấn mạnh, mức giá trần thấp hơn, “có nghĩa là lạm phát nhiều hơn” và phải “thắt chặt tiền tệ hơn”. Ông cho rằng G7 “sẽ mắc sai lầm khi thận trọng.”

Ngọc Anh