EU cấm ngay lập tức hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga

Cấm ngay lập tức hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga và con số này sẽ tăng lên 90% vào cuối năm nay, Liên minh Châu Âu vừa đạt được sự đồng thuận tại hội nghị thượng đỉnh bất thường tại Bruxelles, sau nhiều tuần đàm phán bế tắc về lệnh cấm nhập dầu của Nga.

Đây được nhận định là “đòn đau” đối với cả Nga và EU và để lấp đầy khoảng trống, cả hai đang cùng nhau tìm kiếm những đối tác mới. Cuộc xung đột Nga – Ukraine và các lệnh cấm vận giữa các bên đang làm thay đổi bản đồ phân phối dầu mỏ trên thế giới vốn tồn tại nhiều năm qua.

CẤM 2/3 LƯỢNG DẦU NHẬP KHẨU TỪ NGA

Với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, “không sớm thì muộn” EU cũng phải nhất trí hạn chế nhập khẩu dầu từ Nga. Và tại ngày họp đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh bất thường của Khối, EU đã thống nhất được điều này khi giải quyết được bài toán an ninh năng lượng cho Hungary – quốc gia phản đối lệnh cấm trước đó: EU nhất trí cấm xuất khẩu dầu của Nga sang Khối này. Lệnh cấm ngay lập tức áp dụng với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, cắt giảm một nguồn tài chính khổng lồ cho Moskva, tạo ra sức ép tối đa lên Nga để chấm dứt chiến sự Ukraine. 

Bà URSULA VONDER LEYEN, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu: “Tôi rất vui mừng rằng các nhà lãnh đạo EU đã có thể đồng ý về nguyên tắc về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga liên quan đến tình hình Ukraine. Điều này rất quan trọng. Nhờ đó, Hội đồng Châu Âu có thể hoàn thành cấm gần 90% tổng lượng dầu nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay. Đây là một bước tiến quan trọng.”

Hiện nay, hơn 60% lượng dầu của Nga mà EU nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển, khoảng 30% còn lại là thông qua đường ống dẫn dầu Druzhba. Theo đó, lệnh cấm vận dầu mỏ của EU nhằm vào Nga sẽ ngay lập tức được áp dụng đối với lượng dầu mỏ được vận chuyển qua đường biển. Mức cấm vận sẽ tăng lên 90% một khi Ba Lan và Đức, hai nước có kết nối với đường ống dẫn dầu Druzhba, ngừng nhập khẩu qua tuyến đường này vào cuối năm nay. 

Trong một phản ứng đầu tiên trước các hành động của EU, Nga cho biết, nước này sẽ tìm các nhà nhập khẩu dầu khác. Giới chức Nga từng tuyên bố, bằng cách này hay cách khác, Nga sẽ vẫn xuất khẩu dầu ra thế giới và người chịu thiệt chính là người tiêu dùng châu Âu – họ sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho nhiên liệu, thậm chí còn phải nhập lại từ các nước Nga xuất khẩu dầu sang.

THAY ĐỔI BẢN ĐỒ PHÂN PHỐI DẦU MỎ THẾ GIỚI

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cùng với các động thái và biện pháp trừng phạt của các bên dường như đang tái định hình thị trường dầu mỏ toàn cầu. Trong khi Nga - vốn bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây - tăng cường khai thác các chuyến tàu để đưa dầu thô sang châu Á, thì các nhà cung cấp dầu châu Phi đang chính thức bước vào thị trường châu Âu trong bối cảnh các nước gấp rút tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế Nga. Việc chuyển hướng đánh dấu sự thay đổi lớn nhất về nguồn cung dầu mỏ toàn cầu kể từ cuộc cách mạng đá phiến của Mỹ vào khoảng một thập niên trước.

Theo công ty theo dõi tàu chở dầu Petro-Logistics, lượng dầu của Nga đến châu Á qua đường biển đã tăng ít nhất 50% kể từ đầu năm nay. Điều này cho thấy Nga sẽ có thể đứng vững trước lệnh cấm dầu của Liên minh châu Âu, với điều kiện là các quốc gia châu Á và Trung Quốc, Ấn Độ tiếp tục mua dầu thô của Moskva.

Trong khi đó, Trung Đông thời gian qua dường như là một điểm đến lý tưởng khi các nước châu Âu đang gấp rút tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế Nga. Nhiều lãnh đạo châu Âu đã đến khu vực này để tìm kiếm những hợp đồng năng lượng mới. Mới nhất chính là chuyến thăm Ai Cập của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Trong chuyến thăm, Tổng thống Ba Lan đã nhấn mạnh quốc gia Bắc Phi này là một đối tác tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng của Ba Lan và cả EU.

Theo giới phân tích, các tính toán trừng phạt của EU nhằm vào Nga có thể tác động hai chiều; đặc biệt là các lệnh cấm về năng lượng. Nga sẽ tìm kiếm được các đối tác mới, nhưng sẽ phải mất thời gian do nhiều nước lo ngại trừng phạt. Trong khi đó, ngừng nhập khẩu già Nga khiến giá nhiên liệu tăng cao cũng sẽ gây ra lạm phát cho chính các quốc gia châu Âu.

Thực hiện : Hồng Nhung