EU chia rẽ vì kế hoạch cấm vận dầu Nga

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen vừa lên tiếng kêu gọi các nước thành viên nhanh chóng thông qua gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga. Đặc biệt, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt. Tuy nhiên, đây là thách thức không hề nhỏ bởi đã có những chia rẽ giữa các nước thành viên về kế hoạch này.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu đã đề xuất các quốc gia thành viên chấm dứt nhập khẩu dầu thô trong vòng 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm nay. Đây là một phần trong nỗ lực của Châu Âu nhằm phong tỏa nguồn thu 850 triệu đôla mỗi ngày từ năng lượng của Nga.

Bà URSULA VON DER LEYEN, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu: “Chúng tôi đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào dầu của Nga. Điều này sẽ không dễ dàng vì một số quốc gia thành viên đang phụ thuộc mạnh mẽ vào dầu của Nga. Nhưng đơn giản là chúng ta phải làm điều đó. Vì vậy, hôm nay chúng tôi đề xuất cấm nhập khẩu tất cả dầu từ Nga.”

Châu Âu là thị trường chủ chốt của Nga về xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và cũng là khu vực tạo ra nguồn thu ngân sách chủ yếu cho Moscow. Vì vậy, việc đảo ngược hàng thập kỷ phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga không phải là vấn đề đơn giản đối với khối 27 quốc gia thành viên. Nhiều thành viên như Hungary, Séc, Slovakia, những nước sử dụng nhiều dầu mỏ của Nga đã lên tiếng phản đối hoặc tìm cách trì hoãn.

Ngoại trưởng Hungary PETER SZIJJARTO: “Hungary chỉ có thể đồng ý với các biện pháp trừng phạt này nếu việc vận chuyển dầu thô qua đường ống được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt. Trong trường hợp đó, an ninh nguồn cung cấp năng lượng của Hungary sẽ được duy trì. Nếu không, gói trừng phạt của Brussels sẽ phá hủy an ninh nguồn cung năng lượng của chúng tôi.”

Thủ tướng Cộng hòa Séc PETR FIALA: “Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ quyết định về các lệnh trừng phạt bao gồm cả dầu mỏ, song cũng muốn có thêm thời gian để tăng công suất cho các tuyến đường ống thay thế. Chúng tôi đang hành động rất tích cực ở các cấp độ khác nhau và đang cố gắng đảm bảo rằng có thể nhận được sự trì hoãn trong 2 hoặc 3 năm.”

Các nhà phân tích nhận định, gói trừng phạt dầu mỏ mới này nếu được thông qua thì sẽ là đòn đánh mạnh đối với Nga. Tuy nhiên, việc tìm tiếng nói chung giữa các nước thành viên EU trong vấn đề này được đánh giá sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Hồng Nhung