• 2101 lượt xem
  • 18:05 29/07/2022
  • Xã hội

Gạc Ma - “địa chỉ đỏ” trong những ngày tháng 7 lịch sử

Những ngày cuối tháng 7, Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đón hàng trăm lượt khách về thắp hương tưởng niệm, tri ân. Trong đoàn người ấy, có những con người đặc biệt, họ là đồng đội, là thân thân của các anh.

 Vượt hơn 1000 km từ Nghệ An vào tỉnh Khánh Hòa, chị Phan Thị Trang (SN 1988) dẫn theo người con gái đầu 8 tuổi về thăm Khu tưởng niệm Gạc Ma. Đây chính là nơi đang lưu giữ, trưng bày các hiện vật của bố chị, liệt sĩ Phan Huy Sơn hi sinh ngày 14/3/1988. Ngày bố hi sinh, mẹ đang mang bầu chị Trang. Tròn 34 năm, đây là lần đầu tiên chị Trang có cơ hội tới được Khu tưởng niệm Gạc Ma. Khi nghe hướng dẫn viên nhắc về di vật là chiếc áo blue của liệt sĩ Phan Huy Sơn, chị Trang òa khóc nức nở. 

Chị PHAN THỊ TRANG, Con gái liệt sĩ Phan Huy Sơn: “Đó là chiếc áo bố em mặc để chữa bệnh cho người dân trên đảo và chiến sĩ. Bố em đi, chiếc áo ở lại. Em đã theo học nghề y để tiếp nối con đường mà bố em đang đi dở. Em không may mắn được làm bác sĩ, nhưng em là điều dưỡng, đứng trong hàng ngũ y tế của tỉnh Nghệ An.”

Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma xây dựng, đi vào hoạt động từ năm 2017, hàng năm, đều tổ chức lễ cầu siêu, tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma. Đây là dịp để người dân, đồng đội, thân nhân các liệt sĩ đến thắp hương, tri ân, tưởng niệm các liệt sĩ. Mỗi lần về đây, thân nhân các liệt sĩ lại đưa về các hiện vật, những câu chuyện về 64 liệt sĩ.

ÔNG VÕ DUY TRÚC, Giám đốc Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma: “Cũng rất mừng, nhân đợt này, thân nhân liệt sĩ cũng đã đem về rất nhiều các kỷ vật của các anh mà gia đình còn lưu giữ. Chúng tôi sẽ tiếp nhận, trưng bày trong không gian trưng bày của Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, làm cho khu trưng bày sống động với những hình ảnh các anh lúc còn sống, nhằm giáo dục các thế hệ trẻ đến đây để sinh hoạt cũng như dã ngoại, ngoại khóa, giúp các em hiểu rõ hơn trách nhiệm cũng như tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo của ông cha.”

Đại tá ĐÀO GIANG HẢI, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân: “Đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa, giúp vững tin hơn vào Đảng, vững tin hơn vào vũ khí trang bị và vững tin hơn vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam chúng ta mà Hải quân nhân dân làm lực lượng nòng cốt.”

Trận chiến Gạc Ma đã được ghi trong chính sử Hải quân. Máu của các anh lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ.

Việt Bảo