Gần 1 tỷ USD - vốn FDI “xông đất” đầu năm 2022 tại Thái Nguyên

Việt Nam tiếp tục là điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp FDI. Không chỉ nguồn vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm tiếp tục duy trì mức tăng ấn tượng, bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19. Gần 1 tỷ USD đầu tư mở rộng dự án của tập đoàn Samsung được tỉnh Thái Nguyên trao giấy chứng nhận ngày 16/02 là một minh chứng cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng.

Gần 1 tỷ USD được tập đoàn Samsung đầu tư mở rộng Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Khu Công nghiệp Yên Bình thuộc thị xã Phổ yên – nơi mới được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc nâng cấp trở thành thành phố Phổ Yên trực thuộc tỉnh Thái Nguyên. 

Dự án đầu tư “xông đất”của tỉnh Thái Nguyên những ngày đầu năm 2022 đã mở ra kỳ vọng cho sự phát triển, thu hút nguồn vốn FDI nói riêng và các nguồn vốn khác để tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. 

Ông KIM SANG NAM - Tổng Giám đốc Công ty SEMV: “Chúng tôi đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư sớm hơn dự kiến, công ty chúng tôi đánh giá rất cao điều này. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục có đầu tư để đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.” 

Để chủ động đón các nguồn vốn, với quyết tâm tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, góp phần tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế của địa phương. Đến nay, Thái Nguyên đã có 170 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đã đăng ký trên 9,67 tỷ USD. 

Ông PHAN ĐỨC CƯỜNG - Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên: “Chúng tôi tập trung vào cải cách hành chính, hỗ trợ nhà đầu tư, đi vào thực chất giải đáp những vấn đề nhà đầu tư quan tâm, tập trung vào những việc cụ thể nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là vấn đề liên quan đến như đất đai, môi trường, công tác phòng chống dịch bệnh.”

Theo các chuyên gia, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng và sẽ bứt phá mạnh trong năm 2022 khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới. Do vậy, bên cạnh những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư thì việc kết nối giao thông liên vùng sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều trong xúc tiến thương mại cũng như thu hút FDI.

Ông MẠC QUỐC ANH - Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp: “Đô thị vệ tinh của chúng ta chưa có nhiều, nên việc di chuyển, đồng bộ về cơ sở hạ tầng ở nơi có doanh nghiệp FDI còn hạn chế. Tôi nghĩ đầu tư công của chúng ta cần phải đẩy mạnh để cơ sở hạ tầng cảng hàng không, cảng biển, kho logistic…để các khu công nghiệp có sự kết nối, rút ngắn được thời gian di chuyển.”

Những bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài, sự linh hoạt của các cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho sự hoạt động trở lại của doanh nghiệp người dân trong giai đoạn “bình thường mới” sẽ đem đến những kỳ vọng mới về sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn FDI, đóng góp chung cho sự phát triển của đất nước./.

Như Huỳnh