• 1905 lượt xem
  • 05:22 07/09/2022
  • Văn hóa

Gần hơn giấc mơ phục dựng Điện Kính Thiên

Hai ngày nữa, Hội thảo khoa quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long” sẽ diễn ra nhân kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản 1972. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với di sản văn hoá nổi bật của Thủ đô. Dưới góc nhìn khoa học của hơn 200 nhà nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam, nhiều bí ẩn của Hoàng Thành Thăng Long sẽ có thể tìm ra lời giải.

Đồng thời, tạo tiền đề để phục dựng lại một phần diện mạo của quá khứ. Trong đó, không thể không nhắc đến Đề án “Phục dựng Điện Kính Thiên” đã và đang được các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu suốt 10 năm qua.

Khu vực Điện Kính Thiên của Hoàng Thành Thăng Long luôn là địa điểm không thể bỏ qua đối với các đoàn khách khi ghé thăm Hoàng Thành Thăng Long. Thế nhưng, so với ngày thường, khu vực Điện Kính Thiên có khác đôi chút bởi sự xuất hiện của một tấm pano mang hình dáng cung điện ngay sau khu vực làm lễ tâm linh, nhằm phục vụ cho Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long” sắp diến ra. Rất có thể, trong một tương lai không xa, tấm pano này sẽ được thay thế bằng một cung điện thực nếu đề án phục dựng Điện Kính Thiên thành công. Và lúc đó, diện mạo tại khu vực này sẽ biến đổi rất nhiều, quá khứ sẽ được vẽ lại ở tương lai.

PGS.TS BÙI MINH TRÍ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành: “Đây là một cung điện thiết triều, có một tầm quan trọng đặc biệt của Hoàng cung Thăng Long. Cung điện này còn lại dấu tích của thềm điện Kính Thiên. Những phát hiện khảo cổ học là những manh mối rất quan trọng, đã góp phần giải mã được hình thái, bộ mái công trình, cũng như hệ khung giá mái công trình. Nó đã cung cấp rất nhiều chứng cứ khoa học để chúng ta hướng tới nghiên cứu, tái hiện lại hình ảnh của Điện Kính Thiên trong tương lai”.

Hoàng Thành Thăng Long đã đi qua hơn 1000 năm lịch sử, thế nhưng điều đáng tiếc đến thời điểm này, những diện mạo của kiến trúc nơi kinh đô xưa gần như không còn. Cái còn lại chỉ là những vết tích, những di vật, hay nói cách khác chỉ là những mảnh nghép của lịch sử. Từ những mảnh ghép đó để ghép được một bức tranh hoàn chỉnh về diện mạo của khu vực tử cấm thành xưa là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Và chỉ có thể dựa vào những chứng cứ khoa học từ những cuộc hội thảo mang tầm cỡ quốc tế như sự kiện “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long” ,thì diện mạo của những cung điện xưa, những không gian đậm chất kinh đô xưa mới có thể hiện diện trong tương lai gần.

Bà NGUYỄN HỒNG CHI, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội:Qua cuộc hội thảo này thì chúng tôi cũng mong muốn là sẽ có một khối dữ liệu về mặt sử học, về mặt khảo cổ học cũng như là các giải pháp công nghệ trong việc nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên, cũng như nghiên cứu bảo tồn khu vực Cục tác chiến. Đây cũng và sẽ là định hướng để chúng tôi quản lý khu di sản trong giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030-2045.”.

Khu vực trưng bày “Báu vật Hoàng cung” này cũng đang được gấp rút hoàn thành để kịp phục vụ các nhà khoa học cũng như du khách đến với Hoàng Thành Thăng Long đúng dịp Hội thảo khoa học Quốc tế diễn ra. Dù là Bảo vật Quốc gia đã từng được trưng bày hay những báu vật lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng, thì đây cũng đều là những di vật có giá trị lịch sử, văn hoá rất đặc biệt, là kết quả trong suốt 20 năm nghiên cứu khảo cổ tại khu vực Hoàng Thành Thăng Long. Thế nhưng những bí ẩn tại Hoàng Thành Thăng Long cần phải giải mã rất nhiều, rất cần sự chung tay của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân cũng như chính quyền TP Hà Nội, để không chỉ trả lại một không gian của kinh đô xưa mà còn nâng tầm của di sản văn hoá đặc biệt này xứng tầm những giá trị đã và đang ẩn trong những tầng đất đá.

Văn Thắng