Gần một nửa dân số Afghanistan đối mặt với nạn đói nghiêm trọng

Nền kinh tế Afghanistan đang rơi tự do do tác động của các lệnh trừng phạt trên diện rộng mà Mỹ áp đặt sau khi nước này rút quân một năm trước đây. Theo số liệu của Liên hợp quốc, gần 20 triệu người, tức gần một nửa dân số Afghanistan, đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.

Hầu hết các gia đình ở quốc gia này chỉ có thu nhập hạn chế hoặc không có thu nhập và phải dựa vào viện trợ nhân đạo như Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, nhưng điều đó dường như là không đủ. Các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp Afghanistan đã bị tạm dừng do cuộc khủng hoảng ngân hàng, ảnh hưởng đến sinh kế của khoảng 700.000 người. Một năm sau khi đóng băng tài sản của chính phủ Afghanistan trị giá 7 tỷ đô la Mỹ do Ngân hàng Trung ương của nước này nắm giữ, mới đây Mỹ đã quyết định không giải phóng chúng, với lý do lo ngại rằng số tiền này có thể rơi vào tay những kẻ khủng bố. 

Ông ALI AHMAD, Người dân Afghanistan: “Các biện pháp trừng phạt đã có tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Tài sản Afghanistan bị Mỹ đóng băng là rất cần thiết cho an ninh lương thực và giá trị đồng tiền của chúng tôi.”

Các quan chức của chính quyền Afghanistan trước đây chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đang gây tổn hại cho người dân Afghanistan bình thường hơn là chính quyền Taliban. 

Bà SARA, Người dân Afghanistan: “Người dân Afghanistan đang phải sống trong tình cảnh thảm khốc ngoài sức tưởng tượng. Tôi yêu cầu thế giới gửi thêm viện trợ nhân đạo, điều mà chúng tôi hiện đang thực sự cần."

Trong bối cảnh diễn ra các lệnh trừng phạt, viện trợ nhân đạo không phải là giải pháp bền vững, thay vào đó, chính quyền Taliban đang bị hối thúc hạ thấp lập trường chính trị và thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng để tạo việc làm.

Vân Hương