Giá dịch vụ y tế: Nếu chỉ tính đủ thì sẽ khó tính đúng

Quy định về tính giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế hiện nay còn nhiều bất cập, là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân.

Thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào chiều 8/9, đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đến tiêu chí tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, đồng thời đề nghị đảm bảo các quy định của pháp luật rõ ràng, dễ thực hiện.

Tại điều 106, Dự thảo luật khám chữa bệnh “sửa đổi” quy định: Giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí, phù hợp với khả năng chi trả và khuyến khích nâng cao chất lượng, phát triển kỹ thuật chuyên môn. Theo ông Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nếu chỉ quy định "tính đủ“ thì sẽ không đảm bảo được về việc tính đúng.

ÔNG NGUYỄN ANH TRÍ, ĐBQH TP.Hà Nội: "Tôi lấy ví dụ có 10 mục, tôi đưa vào 10 mục nhưng giá nâng lên thì như vậy là không đúng. Tôi đề nghị sử dụng đúng ngôn từ là tính đúng, tính đủ. Về "phù hợp với khả năng chi trả" nghe thì rất nhân văn nhưng để làm được thì cực kỳ khó. Biết bao nhiêu là phù hợp? Vùng miền, đối tượng, dân tộc, v.v... mà có cần thiết đưa cái này vào không?"

Một số đại biểu cũng chỉ rõ thực trạng, khu vực y tế công hiện nay thực hiện tự chủ tài chính nhưng cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ dẫn đến giảm nguồn thu và hệ lụy như không đủ tiền trả lương cho nhân viên, không tái đầu tư, không đủ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực khiến một bộ phận nhân viên y tế bỏ việc.

BÀ NGUYỄN THANH CẦM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: "Tại khu vực y tế tư nhân, do đã tính đúng, tính đủ cơ cấu giá các dịch vụ y tế với giá khám bệnh, chữa bệnh cao nên nhiều bệnh viện tư có nguồn kinh phí dồi dào để thu hút lực lượng bác sĩ giỏi từ các bệnh viện công chuyển sang. Do vậy, Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám bệnh, chữa bệnh của cả bệnh viện công với bệnh viện tư nhân sao cho lợi ích phải hài hòa giữa công và tư, đảm bảo quyền lợi của người bệnh và ổn định xã hội."

Ông PHẠM HÙNG THẮNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam: "Về giá khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 106 của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tôi đề nghị nghiên cứu xem trước xem xét việc nhà nước quy định thống nhất về khung giá khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, chữa bệnh của nhà nước và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tư nhân."

Phát biểu tại Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết nếu tại điểm này mà đưa ra được các định hướng về giá thì rất phù hợp, Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, đảm bảo lộ trình tính đúng tính dủ, đáp ứng yêu cầu khám bệnh chữa bệnh, cân đối, đảm bảo chi phí.

ĐÀO HỒNG LAN, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: "Bộ Y tế mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, động viên của các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước để ngành y tế tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.Vấn đề này Bộ sẽ tiếp tục có các chỉ đạo và hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo Luật sau khi ban hành sẽ khắc phục được những tồn tại hạn chế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc tốt nhất sức khỏe của người dân."

Quyền Bộ trưởng,Bộ Y tế cũng nêu một số kinh nghiệm quốc tế, đề xuất cần thể chế hoá rõ chức năng, nhiệm vụ và phân loại bệnh viện công lập gắn với chức năng cung ứng dịch vụ sử dụng ngân sách và dịch vụ không sử dụng ngân sách. Định giá dựa trên tính đúng, tính đủ chi phí.

Như Thảo