Giá khám chữa bệnh và giá giường bệnh phân theo hạng bệnh viện, liệu có hợp lý?

Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu của Bộ Y tế đang tiếp tục được lấy ý kiến rộng rãi tại các cơ sở Y tế trong cả nước. Dự thảo được kỳ vọng khắc phục tình trạng “loạn giá” trong bệnh viện công và góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân viên y tế.

Tuy nhiên, nhiều cở sở y tế còn băn khoăn về cách tính giá dịch vụ chưa tạo ra sự công bằng, bình đẳng, nhất là giá khám bệnh và giá giường/ phòng bệnh.

Theo dự thảo mới, giá dịch vụ khám chữa bệnh và giá giường bệnh theo yêu cầu được phân theo hạng bệnh viện. Tuy nhiên, quy định này đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Một số bệnh viện cho rằng mức thu này nếu cùng một tiêu chuẩn thì các bệnh viện đều được thu mức giá như nhau, không kể đó là bệnh viện Trung ương hay địa phương.

Cũng tại dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu ở bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, T.Ư Huế... có mức tối đa 300.000 đồng/lần khám. Các cơ sở y tế khác, giá tối đa 200.000 đồng/lần khám. Trường hợp mời các chuyên gia trong và ngoài nước khám, tư vấn sức khỏe , giá theo thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ. Về khung giá này, đa số các bệnh viện tán thành với quy định trong Dự thảo thông tư hướng dẫn.

Sự ra đời của Dự thảo thông tư vào thời điểm này gắn với “cú sốc tự chủ” rất lớn của các Bênh viên công lập trước đó vài tháng. Đặc biệt là 2 bệnh viện lớn như Bạch Mai và bệnh viện K triển khai thí điểm tự chủ toàn diện. Bởi suốt hơn 2 năm dù cho tự chủ nhưng Bộ Y tế lại không ban hành hướng dẫn giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, khiến 2 bệnh viện này thu không đủ bù chi, phải xin dừng thí điểm. Cùng lúc đó, nhiều Bệnh viện công lập tự chủ một phần hoặc có liên doanh, liên kết thu “loạn” giá, Bộ Y tế cho biết nếu sớm được thông qua, mức giá này sẽ được áp dụng từ ngày 1.1.2023.

Minh Chiến