• 4183 lượt xem
  • 20:50 12/06/2022
  • Xã hội

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân như ngồi đống lửa

Thời gian qua, giá cả vật tư nông nghiệp nhất là phân bón liên tục tăng cao, đang gây rất nhiều khó khăn cho người nông dân, nhất là những người đang canh tác, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả. Ghi nhận của Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Đây là khu rẫy của gia đình anh Lê Văn Chương, tại xã Hòa An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Lô rẫy có diện tích 1 ha, được gia đình anh canh tác xen canh cây cà phê, bơ, sầu riêng và cây hồ tiêu. Ngay từ đầu năm đến nay, giá phân bón, vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, trong khi giá nông sản hiện nay thì bấp bênh, liên tục rớt giá, đang khiến cho gia đình anh lo lắng. Người nông dân hiện nay như đang ngồi trên đống lửa khi giá cả vật tư nông nghiệp, phân bón tăng cao. 

Ông LÊ VĂN CHƯƠNG - Thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk: “Năm ngoái gia đình tôi thu cỡ tầm 300 triệu, mà năm này phân bón tăng rất cao, khiến gia đình rất lo lắng. Điển hình năm ngoái tôi mua 1 bao phân 6-700 ngàn/bao mà năm nãy cũng loại phân đó mà đã 1 triệu một bao. Cũng như thuốc bảo vệ thực vật tăng rất cao nên bà con chúng tôi rất lo lắng.”

 Đắk Lắk là tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp với diện tích, đất đai rộng lớn 1.303.048 ha xếp thứ 4 cả nước, trong đó diện tích đất nông nghiệp 627.000 ha xếp thứ nhất cả nước, quỹ đất đỏ bazan chiếm khoảng 40% diện tích với điều kiện rất thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả và cây lương thực. Sản xuất nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn của địa phương, đất sản xuất nông nghiệp được mở rộng, đầu tư thâm canh luôn được chú trọng.Với giá phân bón tăng cao như hiện nay là một thách thức rất lớn đến người ông dân ở tỉnh Đắk Lắk.

Ông MAI VĂN KHÁNH - Xã Hòa An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk: “Phân bón thì lên vụt vụt như thế. Chạy theo thì nhà nông khổ chết. Mong Nhà nước làm sao để phân bón giảm bớt xuống cho nông dân làm”.

Trả lời chấp vấn tại kì họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thì bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Minh Hoan cũng đã thấy vấn đề này là một vấn đề nhức nhối và thời gian tới cần phải linh hoạt chuyển đổi để đối phó với vấn đề tăng giá như hiện nay.

Ông LÊ MINH HOAN - Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Theo tôi đây cũng là câu chuyện nhức nhối, mặt nào đó chúng ta vẫn còn khuyết điểm với bà con, chúng ta quản lý thị trường chưa tốt. Cá nhân Bộ trưởng cũng nhận phần nào trách nhiệm của mình trong việc đó. Chúng ta phải thay đổi, bên cạnh giá thì chúng ta phải thay đổi. Những mô hình ở Đồng bằng sông Cửu Long, bà con tiết kiệm được từ 30 tới 40% chi phí đầu vào nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất từ sử dụng phân vô cơ chuyển sang phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.”

Tại kì họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thẳng thắn nhìn vào những hạn chế tồn tại của ngành nông nghiệp nước ta và ban luận chuyên sâu để có chính sách đầu tư phát triển một cách đồng bộ cho nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân tích tụ ruộng đất, đầu tư ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị nhất là khâu thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản, quy vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp.
 

Đức Hưng