Rượu bia và ma túy: Nguồn cơn của xe điên

Nghị định 100/2019/NĐ-CP ra đời với mức xử phạt nghiêm khắc tưởng chừng sẽ là “liều thuốc đặc trị” giảm tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, ma túy. Thế nhưng liên tiếp những tai nạn kinh hoàng do “xe điên” gây ra trong những ngày gần đây đang cho thấy, nồng độ cồn và ma túy vẫn đang là nỗi ám ảnh cho mỗi người dân khi tham gia giao thông.

Chiều 27/3, trên địa bàn TP Móng Cái, chiếc SUV hạng sang mang nhãn hiệu Mercedes GL400 đang lưu thông trên đường bỗng lao thẳng vào nhà dân và 1 nạn nhân xấu số đã bỏ mạng. Tài xế cho kết quả dương tính với ma túy Ketamin. 

Chỉ vài ngày sau, chiều 03/4, tại Đà Nẵng, ô tô 7 chỗ nhãn hiệu Xpander lao với tốc độ kinh hoàng, san phẳng toàn bộ cửa hàng bánh mỳ khiến 5 người thương vong, trong đó có 2 trẻ em. Lái xe có ý định bỏ trốn nhưng đã bị người dân bắt giữ. Kết quả đo nồng độ cồn đạt 0,674mg/l khí thở và dương tính với chất ma túy. 

Hai vụ việc thương tâm này cho thấy mức độ ảnh hưởng của chất kích đến người điều khiển phương tiện.

Trung tá NGUYỄN TRƯỜNG SƠN - Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát GTĐB số 2, Cục CSGT: “Khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng chất kích thích bởi khi di chuyển trên cao tốc thì những hành vi như vậy rất nguy hiểm cho lái xe và người tham gia giao thông khác”

Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG - Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: “Tình tiết định khung,tăng nặng trách nhiệm hình sự trong vụ việc này là có sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, trong máu có nồng độ cồn thì tài xế trong vụ việc phải đối diện với khung từ 3 đến 10 năm.”

Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy từng có thời điểm lắng xuống do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thế nhưng khi các địa phương kiểm soát được dịch bệnh, những vi phạm này lại có dấu hiệu gia tăng trở lại. Trong đợt ra quân của lực lượng CSGT trên cả nước, chỉ tính riêng trong 20 ngày đầu tháng 3/2022 đã có gần 10.300 vi phạm về nồng độ cồn, 102 trường hợp dương tính với ma túy. 

Thiếu tá NGUYỄN HOÀNG HẢI - Phó đội trưởng Đội CSGT số 12, Phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội: “Trong quá trình xử lý vi phạm thì đa phần phát hiện các trường hợp vi phạm ở hàng quán, hay đám cưới, nhà có công có việc. Bên cạnh công tác tuyên truyền, khi tuần tra kiểm soát là chúng tôi tập trung vào các trường hợp có dấu hiệu mặt đỏ, hay đi đường không đảm bảo an toàn là chúng tôi đều kiểm tra để giảm thiểu các trường hợp tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.”

Thực tế là trong công tác tuyên truyền xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chất kích thích, lực lượng CSGT không thể dừng tất cả các xe, yêu cầu tất cả phải ngậm ống thổi hay thử nước tiểu,… để ngăn ngừa tai nạn. Tất cả phụ thuộc vào ý thức của mỗi người cầm vô lăng.

Đức Hải