Theo khảo sát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, tình trạng thừa, thiếu cục bộ diễn ra ở từng địa phương, từng cơ sở giáo dục. Việc phân bổ chỉ tiêu biên chế đối với ngành giáo dục chưa linh hoạt, chưa gắn với quy mô phát triển dân số. Trong bối cảnh mới, việc giải bài toán thừa, thiếu giáo viên cần sớm có câu trả lời. Cùng nghe quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGD Nguyễn Thị Mai Hoa.
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, cả nước có 43.205 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, hơn 22 triệu học sinh mầm non, phổ thông. Tính đến tháng 5/2021, cả nước có gần 1,2 triệu giáo viên, trong đó số biên chế là 1.059.729 giáo viên. Như vậy, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành giáo dục thừa 10.178 giáo viên. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán.., thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật...thiếu 94.714 giáo viên.
Để giải quyết vấn đề thừa, thiếu giáo viên hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc, quan điểm của Đảng yêu cầu tinh giản biên chế trong khi mong muốn và nhu cầu của ngành giáo dục và các địa phương đều đề xuất theo hướng tăng thêm; cơ cấu chi thường xuyên cho giáo dục và đào tạo có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương và nhìn chung chưa hợp lý, chưa bảo đảm tỷ lệ chi cho con người tối đa 82%, chi cho hoạt động giảng dạy, học tập tối thiểu 18%. Thiếu chính sách thu hút nên các địa phương vùng dân tộc thiểu số, vùng cao khó tuyển giáo viên một số bộ môn.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung 27.850 biên chế cho sự nghiệp giáo dục trong năm học 2021 - 2022 để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu giáo viên tại một số cấp học và một số môn học, nhưng các thủ tục đến nay chưa được duyệt. Nếu chỉ có vài giải pháp nào đó để giải quyết căn cơ, bền vững vấn đề này là điều rất khó, mà cần một tổng thể nhóm giải pháp, từ công tác dự báo, đánh giá, đến chiến lược lâu dài, nhưng cũng cần xem xét nhiều góc độ, cả giải pháp của Trung ương và địa phương, các bộ, ngành.
Để hiểu rõ hơn về tình trạng thừa, thiếu giáo viên hiện nay cũng như lời giải cho bài toán thừa, thiếu giáo viên như thế nào trong bối cảnh mới, Truyền hình Quốc hội Việt Nam có buổi trao đổi với Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa.
Kính mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và tại địa chỉ website quochoitv.vn
Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam