Giải ngân vốn đầu tư công chậm: "Không ai bị xử lý trách nhiệm vì không quy được trách nhiệm"

Đầu tư công luôn tồn tại nghịch lý, đó là có vốn nhưng chậm phân bổ, chậm triển khai và kéo theo chậm giải ngân. Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành "căn bệnh nhức nhối" không chỉ gây bức xúc mà còn cản trở sự phát triển của đất nước. Cần có giải pháp cụ thể và quyết liệt để giải quyết tình trạng này. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu nêu tại phiên thảo luận.

Các đại biểu cho rằng: Giải ngân vốn đầu tư công luôn là một điểm nghẽn, điểm tắc. Trong đó, việc thực hiện các dự án giao thông và hạ tầng khó nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, cùng với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, sử chủ động trong quản lý thì phải giải quyết nút thắt về giải phóng mặt bằng là hết sức quan trọng.

Ông NGUYỄN TẠO - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: “Giải ngân vốn đầu tư công là điểm nghẽn, điểm tắc. Lâu nay việc thực hiện các dự án giao thông và hạ tầng khó nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư , giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, trong Luật đầu tư mới đề cập đến nhóm công trình nhóm A mà chưa đề cập nhóm B. Vì vậy, tha thiết để xuất với Quốc hội và Chính phủ có cơ chế tách riêng hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành những dự án độc lập giao về cho cấp tỉnh làm chủ đầu tư. ”

Ông TRỊNH XUÂN AN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Có một sự sốt ruột không hề nhỏ khi có tiền mà không tiêu được, dù nhu cầu và nhiệm vụ đặt ra rất lớn và cấp bách. Nếu không có giải pháp phù hợp thì tiến độ 2 năm của chương trình là rất khó khả thi. Do đó đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai các thủ tục hành chính, bỏ thủ tục rườm rà. Nội dung nào đúng thẩm quyền thì quyết định ngay, tránh tình trạng xin ý kiến lòng vòng giữa các cơ quan, các bộ, ngành và dồn mọi việc lên cho Thủ tướng,..” 

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: “Những vướng mắc trong Luật đầu tư công được Quốc hội thông qua trong cuộc họp bất thường nhưng tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn không cải thiện. Những biện pháp truyền thống xem ra không còn là liều thuốc đặc hiệu. Không ai bị xử lý trách nhiệm vì không quy được trách nhiệm".

Các ĐBQH cho rằng trong khi Nghị quyết 43 của Quốc hội về phục hồi kinh tế xã hội trong 2 năm 2022-2023 rất khẩn trương, kịp thời thì việc triển khai tiến độ rất chậm. 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cũng rơi vào cảnh tương tự.

Ông PHẠM HÙNG THẮNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam: “Cả 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia đều được Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương từ khá sớm, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ, miền núi còn được Quốc hội thông qua từ cuối nhiệm kỳ khoá XIV nhưng đến nay việc phân bổ vốn chỉ mới vừa được quyết định trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 3”

Bà VŨ THỊ LƯU MAI - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội:Rất có thể có những mục tiêu trong Nghị quyết đặt ra phải hoàn thành trong 2022-2023 chúng ta không thể thực hiện. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có lý do để chậm (giải ngân vốn) hay không?  Tôi cho rằng chúng ta không có nhiều lý do để chậm vì triển khai gói phục hồi trong điều kiện khách quan thuận lợi, dịch bệnh cơ bản được khống chế, . Xét về nguồn lực, theo Nghị quyết 43, nguồn lực là sẵn sàng. Quy trình thủ tục đã đơn giản hoá đến mức tối đa. Đã thực hiện phân cấp tới mức tối đa, tới từng bộ, ngành, địa phương”.

Ông NGUYỄN HỮU THÔNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: “Nghị quyết 43/2022/QH15 chưa thực sự đi vào cuộc sống. Đề nghị Chính phủ đánh giá, xem xét kỹ vấn đề này, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể và từ đó có các giải pháp hữu hiệu hơn."

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị: Cần có giải pháp khơi thông các dòng vốn cho sản xuất kinh doanh, quyết liệt hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công. Có đủ chế tài đối với tổ chức, cá nhân thực hiện chậm giải ngân vốn đầu tư công để không còn điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi.