Giải pháp nào gỡ khó cho ngành chăn nuôi?

Việc giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao đã diễn ra và biến động liên tục trong thời gian qua. Khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, để duy trì các hoạt động sản xuất các hộ chăn nuôi đã chủ động thích ứng với những giải pháp khác nhau, ví dụ như giảm lượng thức ăn tinh, tăng thức ăn xanh nhằm giảm chi phí, tránh tình trạng thua lỗ.

Còn đối với những trang trại, hợp tác xã chăn nuôi lớn thì lại áp dụng giải pháp giảm bớt áp lực thức ăn chăn nuôi. 

Trang trại này tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai chăn nuôi lớn theo mô hình Hợp tác xã. Nếu như trước đây tự nhập nguyên liệu đầu vào để phối trộn thức ăn thì nay để tiết giảm chi phí HTX đã thuê một nhà máy thức ăn chăn nuôi thực hiện. Nguyên liệu được nhập qua nhà máy với số lượng lớn đã giúp hợp tác xã chăn nuôi vẫn có lãi dù không nhiều.

Còn với trang trại này, một quy trình sản xuất kép kín đã diễn ra nhiều năm qua. Không chỉ có cỏ mà toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp được thu gom làm thức ăn cho 700 con bò và cừu. Phân của đàn gia súc tiếp tục được sử dụng làm thức ăn cho trùn quế. “Nhà máy” khổng lồ này, sẽ chuyển hóa phụ phẩm thành phân vi sinh, đem bón cho cây trồng ở ngay trong trang trại.

Hiện cả nước có khoảng 525 triệu con gia cầm và 28 triệu con lợn. Giải pháp trước mắt của ngành chăn nuôi là cắt giảm chi phí, tăng năng suất để bù vào giá thành. Nhưng về lâu dài, phải tiến tới nâng chất lượng sản phẩm để tăng giá trị, liên kết chuỗi, tạo vùng an toàn dịch bệnh, chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại.

Bộ NN&PTNT khuyến cáo, người dân cần sản xuất theo nhu cầu của thị trường; sử dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp để giảm chi phí trong chăn nuôi. Cùng với đó, các địa phương hỗ trợ hợp tác xã, người dân liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị; xây dựng thương hiệu; ký kết hợp đồng đưa sản phẩm chăn nuôi vào các kênh phân phối hiện đại.

Hà Lan