Giảm 90% số lượng cá thể so với năm 1980, voi Tây Nguyên cần được bảo vệ đặc biệt

Trong khoảng 30 năm trở lại đây, số lượng voi Việt Nam nói chung và voi Tây Nguyên suy giảm nhanh. Phân loài voi sinh sống tại Việt Nam được xếp vào bậc Nguy cấp trong danh mục sách Đỏ IUCN, bậc Cực kỳ nguy cấp theo Sách Đỏ Việt Nam. Nếu không có những biện pháp bảo tồn quyết liệt và hữu hiệu hơn, không lâu nữa, hình ảnh đàn voi vốn thân thuộc với người Tây Nguyên sẽ chỉ còn trong kí ức.

Hiện nay quần thể voi tại Đắk Lắk còn khoảng 140 cá thể kể cả voi nhà và voi tụ nhiên, giảm 90% so với năm 1980. Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn khoảng 37 con voi nhà. Một số con vẫn còn đang dùng để chở khách tại các khu du lịch trên địa bàn.

Ông TRẦN XUÂN PHƯỚC, Giám đốc trung tâm bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk: “Do đặc thù hoạt động du lịch, cũng như khai thác bất lợi cho cá thể voi dẫn đến suy giảm trầm trọng. Hiện nay Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã kí cam kết thỏa thuận, bản ghi nhớ với Tổ chức bảo vệ động vật châu Á và đây là tín hiệu bước đầu đáng mừng có hiệu quả trong việc bảo tồn voi. Và tổ chức này đang phối hợp với trung tâm bảo tồn để chuyển từ cưỡi voi sang ngắm voi, gọi là du lịch thân thiện.” 

Hiện nay công tác tuyên truyền vận động đang được triển khai để dần dần chấm dứt hoạt động cưỡi voi. Tuy nhiên cần phải có những biện pháp mạnh hơn.

 Ông ĐINH TẤT THẮNG, Phó hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk: “Công tác tuyên truyền phổ biến về việc không sử dụng voi để chở khách du lịch nói chung cũng lan tỏa và nhận thức của người dân cũng chuyển biến. Đặc biệt là đối với du khách trước đây họ cũng muốn cưỡi cho biết nhưng mà giờ họ cũng có ý thức hơn."

Trong thời gian tới, năng lực cứu hộ, chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ sinh sản phát triển quần thể voi cần phải được tăng cường để giữ gìn voi không chỉ là một nguồn quý, mà còn cả một biểu tượng văn hóa của vùng đất “Tây nguyên đại ngàn”.

Duy Hòa