Giám sát chuyên đề: Đại biểu không tin các địa phương dành đủ ngân sách cho y tế dự phòng, y tế cơ sở

Trong vòng 10 năm, mô hình tổ chức và quản lý của hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng thay đổi 3 lần nhưng hiện vẫn chưa có sự thống nhất trong cả nước; việc phân bổ ngân sách chi cho công tác dự phòng chưa bảo đảm. Thực trạng của những vấn đề này đã được đại biểu chỉ rõ tại buổi làm việc sáng 14/3 giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với các Bộ, ngành.

Thành viên Đoàn giám sát cho biết: Hiện vẫn còn 3 tỉnh có mô hình Trung tâm y tế trực thuộc UBND quận, huyện; còn 4 tỉnh Trung tâm Dân số nằm ngoài Trung tâm y tế. Đối với trạm y tế cũng có nhiều mô hình tổ chức và quản lý khác nhau, có nơi sáp nhập trạm y tế với phòng khám đa khoa khu vực và trung tâm y tế huyện. Điều này đặt ra lo ngại về chức năng dự phòng sau khi sáp nhập khó được thực hiện đầy đủ.

Qua giám sát, các đại biểu cũng nhận thấy thực tế còn nhiều địa phương đang có tỷ lệ ngân sách chi cho y tế dự phòng còn rất thấp.

Đối với việc thay đổi mô hình tổ chức và quản lý của hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc thay đổi 3 lần trong 10 năm không chỉ là hạn chế mà cũng là sự đổi mới, tìm tòi để phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, rõ ràng hiện nay, hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng vẫn còn tồn tại bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu như mong muốn; Do đó đề nghị trong báo cáo của Bộ Y tế và các bộ, ngành cần bám sát yêu cầu trong đề cương giám sát, cập nhật số liệu theo từng giai đoạn, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân. Đồng thời, tiến hành tổng rà soát để xây dựng chương trình về tăng cường vai trò của y tế cơ sở và y tế dự phòng trong giai đoạn mới. 

Anh Đức