Giám sát công tác thanh tra: Số lượt người khiếu nại tăng 62,5% trong giai đoạn 2016-2021

Sáng 31/3, tại Trụ sở Thanh tra Chính phủ, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm trưởng đoàn, làm việc với Thanh tra Chính phủ về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.

Để làm cơ sở cho Đoàn giám sát có thông tin, nghiên cứu, tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thanh tra Chính phủ báo báo cáo tập trung vào các nội dung như: Việc ban hành văn bản của Ban cán sự Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ nhằm quán triệt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này; Nhận định khách quan về tình hình khiếu nại tố cáo, kết quả tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo cũng như việc khởi kiện vụ án hành chính của công dân; Rà soát lại việc giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài, trong đó chỉ rõ nguyên nhân, vì sao có những việc cơ quan Thanh tra, Tổng thanh tra Chính phủ, thậm chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có kết luận, yêu cầu giải quyết nhưng vẫn không giải quyết đúng thời gian theo kiến nghị.

Bên cạnh đó, Trưởng đoàn giám sát cũng yêu cầu báo cáo rõ việc thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm thực hiện, việc tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; làm rõ những vấn đề khác có liên quan đến luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và hệ thống pháp luật, nhất là xung quanh việc thực hiện pháp luật, quản lý Nhà nước về đất đai, thu hồi đất, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần…

Đoàn giám sát cũng đề nghị cần chỉ ra cụ thể địa phương, bộ ngành nào chưa quan tâm đến tiếp công dân, giải quyết KNTC; người đứng đầu nơi nào không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn hoặc đổ điều kiện khách quan do công việc mà ủy quyền cho cấp phó. Quy định về tiếp công dân của người đứng đầu có gì cần kiến nghị, trong trường hợp nào thì ủy quyền? Đề nghị Thanh tra Chính phủ có đánh giá tổng thể về vấn đề trình độ, năng lực của cán bộ các cấp. Trong các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài, phân loại đơn vị, địa phương, lĩnh vực nào còn nhiều, khả năng giải quyết dứt điểm ra sao, trên cơ sở đó, kiến nghị Luật nào, điều khoản nào cần phải sửa đổi, bổ sung.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc ban hành Nghị định 31/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo chậm do việc lấy ý kiến kéo dài, có nhiều ý kiến khác nhau. Trong giai đoạn báo cáo, cơ quan hành chính các cấp đã chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ việc thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Số lượt người khiếu nại tăng 62,5% nhưng số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết giảm 21,4%. Trong đó có nguyên nhân chủ quan là do việc giải quyết chậm, công dân chờ đợi lâu nên nhiều lần đến Trụ sở tiếp công dân để khiếu nại. Số vụ việc công dân khởi kiện ra Tòa hành chính chiếm tỷ lệ rất thấp, nguyên nhân cơ bản là do công dân phải đáp ứng các điều kiện thụ lý.

Khắc Phục