Giám sát để thấy bức tranh toàn cảnh về khiếu nại tố cáo lĩnh vực đất đai và vướng mắc trong thực thi pháp luật

Sáng nay 1/4, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm trưởng đoàn làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Đoàn giám sát Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan Quản lý Nhà nước về đất đai, lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại tố cáo để nghe báo cáo về việc thực hiện về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, việc rà soát các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài liên quan đến lĩnh vực này. 

Qua giám sát, trao đổi về báo cáo, đoàn hy vọng sẽ thấy bức tranh toàn cảnh về khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực đất đai, những vấn đề trong thực hiện Luật Đất đai làm phát sinh khiếu nại tố cáo và hiệu quả trong tổ chức thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo của Bộ; đồng thời đánh giá chính xác hơn kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai, Tài nguyên Môi trường, nâng cao năng lực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. 

Trên tinh thần đó, Trưởng đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận  vào các vấn đề lớn như: Việc Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai quán triệt, cụ thể hóa các văn bản của Đảng, nhất là Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tăng cường tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ trong thực hiện 3 luật nêu trên đối với lĩnh vực đất đai; trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; bổ sung những nhận định, tình hình khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực đất đai, thu hồi và bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp đất đai, các sai phạm liên quan đến lĩnh vực Tài nguyên Môi trường. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu thảo luận về các nội dung khác như: những vụ việc phức tạp, kéo dài, đông người; những kiến nghị liên quan đến thể chế, trong đó có kiến nghị, sửa đổi, bổ sung những điều khoản cụ thể của Luật Đất đai.

Theo Kết quả khảo sát, đánh giá bước đầu của Tổ công tác về chuyên đề giám sát này, trong giai đoạn 1/7/2016-1/7/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp 1.971 lượt công dân, với tổng số 4.113 người, trong đó có 234 đoàn đông người). Nội dung khiếu nại, công dân đến trình bày chủ yếu liên quan đến việc thu hồi và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tranh chấp đất đai và đề nghị xử lý các sai phạm. 

Tổ công tác đề nghị Bộ chỉ rõ nguyên nhân các vụ việc khiếu nại còn tồn đọng, chưa giải quyết, vướng mắc pháp luật hay do công tác thực thi? Đối với tranh chấp đất đai, số vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền trách nhiệm giải quyết của Bộ còn tồn đọng là 38/268 (chiếm 14% số vụ việc phải giải quyết). Tổ công tác đề nghị Bộ làm rõ nội dung các khiếu nại, tranh chấp trên; đánh giá cụ thể hơn số vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài, đông người, khiếu nại tố cáo vượt cấp theo tính chất, địa bàn; làm rõ thêm các vấn đề, vướng mắc về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Dương Dung