Giám sát sắp xếp đơn vị hành chính tại Cao Bằng: Sau sáp nhập địa phương vướng từ cán bộ đến kinh phí

Việc sắp xếp cán bộ cần có cách nhìn toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, gắn với nâng cao chất lương, đổi mới công tác đánh giá cán bộ và hiệu quả công việc. Đây là yêu cầu của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại buổi làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.

Tỉnh Cao Bằng đã tiến hành sáp nhập 6 huyện; 76 xã, thị trấn để giảm 3 huyện, 38 đơn vị cấp xã. Bên cạnh những kết quả đạt được, qua thực tế, Đoàn giám sát nhận thấy do dân cư sinh sống không tập trung; nhiều tuyến đường giao thông chưa được đầu tư, việc đi lại của nhân dân vô cùng khó khăn. Sau sáp nhập, số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư lớn 240 trường hợp; phát sinh kinh phí sửa chữa cải tạo, các trụ sở làm việc…

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đề nghị địa phương làm rõ hơn những ảnh hưởng của việc sáp nhập đơn vị hành chính đến nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình an sinh xã hội.

Bà NGUYỄN PHƯƠNG THỦY, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Chúng tôi mong các đồng chí cung cấp thêm thông tin cụ thể về những nội dung, chính sách các đồng chí thấy có khả năng hoặc đã bị cắt giảm sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính mà chúng ta cần phải duy trì để hỗ trợ tốt hơn cho các đơn vị hành chính mới được sáp nhập.”

Ông BẾ VĂN HÙNG, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng:Đến giai đoạn này, Cao Bằng giảm đi 20 xã vùng 3. Như vậy là 20 đầu xã này sẽ không được đầu tư theo chương trình mới nữa. Chúng tôi tính toán đầu tư về hạ tầng, kinh phí sự nghiệp… trong  5 năm của 20 xã này vào khoảng 260 tỷ. Kiến nghị đề xuất lần nữa đó là có cơ chế thêm cho xã đặc biệt khó khăn khi sáp nhập và có hệ số tăng mức đầu tư lên trong giai đoạn mới này.”

Liên quan đến vấn đề chỉ có 1 trạm y tế xã mà không duy trì 2 điểm khám chữa bệnh thời trước khi sáp nhập mà Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu làm rõ sau khi giám sát tại huyện Trùng Khánh, Giám đốc sở Y tế Cao Bằng cho biết, 1 phần nguyên nhân là do trước và sau khi sáp nhập tỉnh không đủ nhân sự để đáp ứng.

Ông NÔNG TUẤN PHONG, Giám đốc sở Y tế: “Không phải tỉnh Cao Bằng sau khi sáp nhập đã rút các trạm y tế ở đấy. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đã tiếp tục duy trì đến hết năm 2020. Nhưng sang năm 2021, khi muốn khám bảo hiểm y tế có liên quan đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, muốn khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phải có hợp đồng, giấy phép. Thời điểm đấy không thể cấp được 2 địa điểm nếu chúng ta không xử lý kỹ thuật các văn bản hành lang pháp lý trong thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, song Cao Bằng đã quyết tâm, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Trung ương về sắp xếp lại các đơn vị hành chính.  

Phó  Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Bây giờ nhập 3 huyện miền núi xa xôi như thế, địa hình cách trở như vậy liệu có ổn không? Tôi rất chú ý an ninh quốc phòng. Lên đây đi đồn biên phòng, đi biên giới, tôi rất mừng khi thấy các đồng chí nói là biên giới không ảnh hưởng gì cả vẫn tốt. Thế rồi công an tổng hợp số liệu tội phạm vi phạm pháp luật giảm ở những đơn vị sáp nhập.”

Để khắc phục những tồn tại hạn chế sau sáp nhập, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nội Vụ ghi nhận các kiến nghị của địa phương gắn với từng chính sách, con số cụ thể. Tỉnh Cao Bằng cũng nên tham khảo kinh nghiệm của các địa phương khác, nhất là trong công tác sắp xếp cán bộ cần có cách nhìn toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh .

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Sắp xếp cán bộ gắn với nâng cao chất lượng cán bộ. Như vậy phải chọn anh cán bộ giỏi ở lại, chứ không phải đợi về hưu rồi giảm dần thì 2024 làm sao xong? Vì vậy phải đổi mới công tác đánh giá cán bộ gắn với hiệu quả công việc, việc làm.”

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính chính là tổ chức lại không gian phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng; kết quả cuộc làm việc là những cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoạch định các chính sách nhằm thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn tiếp theo, và quan trọng nhất là phải nâng cao được chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Cao Hoàng