Giám sát sắp xếp đơn vị hành chính tại Hà Tĩnh: Sau sáp nhập 1 xã có đến 18 thôn, cán bộ xã quá tải

Đoàn giám sát chuyên đề về "Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021" đã có buổi khảo sát tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh hôm 28/4.

Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của chính quyền địa phương trong thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, chia sẻ với những khó khăn bước đầu khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng lớn nhưng số lượng cán bộ công chức không tăng. Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị địa phương tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các thủ tục hành chính.  

Huyện Thạch Hà đã sắp xếp 15 đơn vị hành chính cấp xã thành 6 đơn vị hành chính mới, giảm 9 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sáp nhập, khối lượng, áp lực công việc tăng lên nhưng chế độ, chính sách chưa thực sự tương xứng, đặc biệt là với các xã có quy mô lớn; do đó,các ý kiến đề xuất cần nâng mức hỗ trợ để khuyến khích đội ngũ cán bộ.

Ông NGUYỄN VĂN NINH, Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh: “Khi nhập xã thì có gần 600 đối tượng là thương bệnh binh và người có công, chưa nói là các đối tượng bảo trợ xã hội khác. Nếu để 1 cán bộ công chức quản lý như quy định thì chắc chắn việc hoàn thành nhiệm vụ khó. Chế độ làm việc thì căng hơn đơn vị bạn, nhưng chế độ tiền lương thì vẫn như vậy. Do đó, cần tăng chế độ cho cán bộ công chức”. 

Theo đại diện xã Lưu Vĩnh Sơn, một xã được sáp nhập từ 3 xã, cho rằng với diện tích trên 40 Km2, địa hình đồi núi chiếm trên 50%, công việc sau sáp nhập gặp nhiều khó khăn bất cập.

Ông DƯƠNG ANH DŨNG, Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh: “Từ 1 xã 4 thôn, 5 thôn thì bây giờ 1 xã như chúng tôi là 18 thôn, diện tích 41km2, cho nên việc cán bộ đi lại làm việc với các thôn rất vất vả. Nhưng chế độ chính sách, tiền lương lại thấp là cái chúng tôi rất băn khoăn”.

Trả lời câu hỏi của thành viên Đoàn giám sát về khả năng đáp ứng của cán bộ công chức cấp xã trong việc phục vụ người dân thực hiện các thủ tục hành chính, đại diện Phòng nội vụ của huyện Thạch Hà cũng thừa nhận trong quá trình vận hành, có thời điểm quá tải, đặc biệt là đối với lĩnh vực về thống kê, tài nguyên môi trường, an ninh trật tự.

Bà LÊ THỊ PHƯƠNG THỦY, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh: “Khối lượng nhiều vẫn có thời điểm quá tải, tuy nhiên theo quy định về điểm cải cách hành chính cán bộ công chức cũng phải tăng cường lượng thời gian để giúp cho người dân, đảm bảo thời gian theo quy định. Như vậy là có quá tải về mặt thời gian đối với những xã nhập 3”. 

Về vấn đề này, đại diện Vụ chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho rằng, hiện nay chính phủ đang triển khai chính quyền số, do vậy cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý các thủ tục hành chính.

Ông NGUYỄN ÁNH DƯƠNG, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ: “Khi nhập các đơn vị sẽ khó khăn trong hoạt động quản lý nhà nước, phục vụ người dân. Tôi cũng đề nghị là từ sắp xếp thì phải đổi mới quan điểm về quản lý để đưa công nghệ số, chuyển đổi số để phục vụ trong hoạt động quản lý nhà nước cũng như dịch vụ công cung cấp cho người dân. Lúc đó, mình sẽ có tầm nhìn mới và việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ không ảnh hưởng mấy”.

Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, đối với những đơn vị đã sáp nhập, cần tiếp tục đầu tư hạ tầng, tạo không gian phát triển để qua đó, tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng tình cho người dân, giúp người dân thấy được tính đúng đắn của chủ trương lớn; cần có phương án giải quyết có tình có lý trong công tác cán bộ, quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ.

Tùng Dương