Giám sát tại Khánh Hòa: Không để tiếp công dân, xử lý đơn thư chỉ như chức năng "bưu điện"

Làm việc với tỉnh Khánh Hòa, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn đề nghị tỉnh tăng cường thanh tra việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, để việc tiếp nhận , giải quyết đơn thư.

Trong giai đoạn 2016-2021, UBND các cấp, các cơ quan thuộc UBND các cấp địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tiếp hơn  12.800 lượt/hơn 9.700 vụ việc. Tuy nhiên, UBND tỉnh chưa có trụ sở tiếp công dân riêng. Toàn tỉnh chỉ có 9,8% cán bộ, công chức chuyên trách thực hiện tiếp công dân.  Việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu còn thấp, trong đó của Chủ tịch UBND tỉnh là 36,7%, Chủ tịch UBND huyện là 12,7%, Chủ tịch UBND xã chỉ đạt 2,14%. Các thành viên đoàn giám sát đề nghị cần làm rõ việc thanh tra, kiểm tra cũng như xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.

Ông HOÀNG ANH CÔNG, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Tiếp công dân là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng của người đứng đầu các cấp chính quyền, Chủ tich UBND các cấp phải được đưa vào đánh giá kết quả công tác hàng năm của đồng chí đó. Nếu không đánh giá được điều đó thì công tác tiếp công dân chỉ mang tính hình thức.”

Ông TRẦN VĂN MINH, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: “Qua tiếp công tôi thấy từ hồi giờ tôi phụ trách mà chưa có địa phương nào kỷ luật ông nào tiếp công dân dở hết. Nếu mà tiếp dân, xử lý đơn thư như hiện nay thì chúng ta chỉ làm chức năng «bưu điện» thôi. Chúng tôi đi thanh tra trách nhiệm ở đâu cũng thế, nhận đơn xong rồi chuyển mà không biết họ giải quyết thế nào.”

Ông NGUYỄN TẤN TUÂN, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: “Vi phạm trong giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo chúng tôi làm rất nghiêm, còn việc thanh tra công vụ Chủ tịch tiếp công dân thì đúng là còn thiếu sót.”

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và quan tâm đến kết nối dữ liệu trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. 

Ông ĐỖ VĂN ĐƯƠNG, Chuyên gia: “Phải kết nối phần mềm tỉnh, huyện để bảo đảm đồng chí Chủ tịch tỉnh mà huyện nào, xã nào phát sinh khiếu kiện thì đồng chí phải ngồi đó mà nghe, hoặc lên trên này vì dân bao giờ cũng muốn gặp người đứng đầu vì người đó mới giải quyết được.”

Ông NGUYỄN HẢI NINH, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa: “Chúng tôi là sẽ chỉ đạo Chủ tịch UBND thực hiện việc tiếp dân, sẽ rà soát ở cấp dưới vì nếu không làm tốt sẽ dồn lên cấp trên. Nhân dịp này cũng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định về tiếp công dân.”

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, tỉnh Khánh Hòa đã không né tránh, không đổ lỗi cho khách quan trong thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Chia sẻ với địa phương về những khó khăn, bất cập về chính sách pháp luật, Trưởng Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về trách nhiệm trong lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG, Trưởng đoàn giám sát: “Tôi đề nghị người đứng đầu các cấp, cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp phát huy trách nhiệm của mình trong thực hiện tiếp công dân nghiêm túc theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân và luật liên quan; phân định rõ cái nào tiếp theo Luật Tiếp công dân, cái nào theo luật tố tụng.”

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở tiếp dân riêng của UBND tỉnh theo đúng quy định; chỉ đạo đầu tư trang bị cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị tại các phòng tiếp công dân;  báo cáo rõ hơn trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của người đứng đầu cả về chỉ đạo, và trực tiếp tiếp công dân.

Khắc Phục