Giám sát xử lý rác tại TP.Hồ Chí Minh: Phấn đấu đến 2025, giảm 80% lượng rác được xử lý bằng chôn lấp

Khảo sát thực tế việc tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý và quản lý chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, sáng 12/7, Đoàn giám sát của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có buổi giám sát thực địa tại điểm trung chuyển rác Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức và khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh.

Theo đó, rác thải sinh hoạt tại khu vực quận 2 cũ sau khi được vận chuyển về trạm trung chuyển rác Thạnh Mỹ Lợi sẽ được xử lý và chuyển tới Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước của huyện Bình Chánh. Mỗi ngày, Khu liên hợp này tiếp nhận khoảng 6000 – 6500 tấn rác của thành phố và xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Tuy nhiên, theo quy định mới tới năm 2025, lượng rác chôn lấp cần phải giảm xuống còn 15-20% và 2030 sẽ xoá bỏ hoàn toàn. Do đó, các đại biểu đề nghị doanh nghiệp cần xem xét lộ trình, biện pháp chuyển đổi.

Ông NGUYỄN TUẤN ANH – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT: “Trong thời gian tới chuyển đổi mô hình này như thế nào, chuyển đổi công nghệ thế nào để đáp ứng được không chỉ mục tiêu bảo vệ môi trường mà còn đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.”

Đồng ý chủ trương chuyển đổi nhưng đại diện Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước kiến nghị thành phố cần có hướng dẫn, lộ trình chi tiết cho doanh nghiệp.

Ông DAVID DƯƠNG – Tổng giám đốc Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam: “Luật đòi hỏi chôn lấp chỉ 15-20%, chúng tôi thực hiện được hết nhưng yêu cầu thành phố phải ngồi lại với chúng tôi xem công nghệ gì? Giá cá bao nhiêu?”

Bên cạnh đó, TP.Hồ Chí Minh cũng cần xem xét điều chỉnh lại quy hoạch chung của thành phố, tạo điều kiện cho việc thành lập khu xử lý rác bằng phương pháp đốt. Có vậy mới đảm bảo tới 2025, thành phố giảm 80% lượng rác được xử lý bằng chôn lấp theo quy định mới.

Tăng Sắc