Gìn giữ nếp nhà sàn truyền thống, mộc mạc của người Tày

Trải qua hàng trăm năm sinh sống bên dòng Nặm Luông, đồng bào Tày ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã tạo dựng một kho tàng văn hoá đa dạng. Cùng với bảo tồn các nghề truyền thống, các phong tục, tập quán dân gian thì người Tày luôn cố gắng gìn giữ những nếp nhà sàn truyền thống - nơi lưu giữ những nét văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc.

Nằm dưới triền núi trùng điệp, những nếp nhà sàn cổ kính vẫn đứng vững chãi, bền bỉ với thời gian. K hông ai biết nhà sàn có từ bao giờ, nhưng hình ảnh ngôi nhà sàn giản dị, mộc mạc đã trở thành nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Tày qua các thế hệ.

Nói đến văn hóa người Tày ở Nghĩa Đô, là nhắc đến nghề dệt thổ cẩm, điệu hát then, múa then. Vào thời điểm nông nhàn hay chuẩn bị cho lễ hội, công việc trọng đại của gia đình thì những phụ nữ Tày sẽ cùng ngồi lại bên những ngôi nhà sàn để thêu dệt và múa hát.

Xã Nghĩa Đô có trên 1.000 ngôi nhà sàn, trong đó hơn 90% là nhà sàn truyền thống. Nhà sàn của người Tày có 3 gian, được làm bằng gỗ rừng, cầu thang 9 bâc và lợp mái cọ. Không chỉ là nơi sinh hoạt của gia đình, nhà sàn truyền thống còn là thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Nhà sàn truyền thống phản ánh cuộc sống văn hóa độc đáo của người Tày Nghĩa Đô. Thay vì xây nhà mới hiện đại, người địa phương vẫn giữ lại những nếp nhà sàn giản dị, mộc mạc với mục đích để bảo tồn và truyền dạy nét đẹp văn hóa của dân tộc cho thế hệ sau./.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hồng Ngọc