Gìn giữ nghề may truyền thống của phụ nữ Tày

Qua bàn tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ, các sản phẩm thổ cẩm không chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình mà còn trở thành các mặt hàng được bày bán tại phiên chợ vùng cao. Điều đáng trân trọng nữa là, gần 30 năm nay, qua nhiều thế hệ, những tổ phụ nữ dân tộc Tày này vẫn giữ thói quen tụ họp để khâu, may các sản truyền thống này.

Từ khi còn rất trẻ, những người bạn đã cùng bà Tương vẫn đều đặn, duy trì làm những công việc như thế này. Ngoài công việc đồng áng, lúc rảnh rỗi, họ lại tụ để may, thêu sản phẩm truyền thống của tổ tiên để lại. 

Bà LƯƠNG THỊ TƯƠNG, thôn Chiềng 4, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai: “Tất cả năm chị em đều làm trong ngày còn những cái khoản khác nữa thì co những người làm phục vụ bên ngoài có mấy người nữa. Ví dụ như khâu thế này thì phải có người ngoài làm tranh thủ thôi, người ta mang đến cho mình.”

Chị LƯƠNG THỊ TÁO, thôn Chiềng 4, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai: “Thứ nhất là cũng yêu nghề, làm thì cũng vui mấy chị em, vừa làm vừa vui chơi để cho thoải mái thời gian với lại cũng kiếm thêm được ít thu nhập cho gia đình.”

Trang phục truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ và kì công. Các hoa văn, họa tiết trên trang phục đều xuất phát từ những hình ảnh gần gũi, bình dị hàng ngày của người Tày. Sắc nét và hài hòa về màu sắc, với quan niệm trường tồn với vũ trụ và hòa hợp âm dương, ngũ hành.

Bà LƯƠNG THỊ TƯƠNG, thôn Chiềng 4, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai: “Hồi môn của người ta đi lấy chồng thì có cái này, có cái đệm này rồi phải có cả cái gối này đi kèm thì đấy là của hồi môn, phong tục của người dân tộc.”

Sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Tày ngày càng đa dạng về mẫu mã. Trước đây, phụ nữ dệt may chỉ để phục vụ sinh hoạt hàng ngày trong gia đình, nhưng bây giờ các sản phẩm này đã trở thành mặt hàng độc đáo, hấp dẫn du khách thập phương tại các phiên chợ vùng cao.

Ông NGUYỄN VĂN VĨNH, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai: “Cấp ủy đảng chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, vận động cho bà con nhân dân, nhất là duy trì bản sắc dân tộc về quần áo người Tày và hai nữa là quảng bá trên các thông tin đại chúng đi khắp các nơi trong và ngoài tỉnh để biết được sản phẩm của người Tày”.

Trong xã hội hiện đại, nhiều bản sắc văn hóa đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Bởi vậy, nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế từ việc khai thác bản sắc văn hóa truyền thống bản địa sẽ góp phần bảo tồn, lưu giữ nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hồng Ngọc