Ngày 23/5, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện phát triển KT- XH và ngân sách Nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được. Đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá sâu sắc hơn một số vấn đề liên quan đến hiệu quả phân bổ NSNN, huy động, sử dụng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; chỉ rõ tồn tại, hạn chế, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương làm tốt, chưa tốt trong đó có một số vấn đề liên quan đến hàng hoá xuất nhập khẩu; Tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN; môi trường đầu tư, kinh doanh; bổ sung về thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2021 – 2025.
Đối với tình hình triển khai những tháng đầu năm 2022, Báo cáo của UB Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao việc quý 1/2022 đã tiếp tục thu được những kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt khá. Trên cơ sở tình hình thực tế, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số nội dung như: Việc thực hiện, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm; Chỉ số CPI 4 tháng tăng 2,1%, không cao hơn so với cùng kỳ các năm 2018-2020, tuy nhiên sức ép lạm phát lớn; Chính phủ cần Làm rõ trách nhiệm và giải pháp cho tình trạng giải ngân chậm, trong đó, 4 tháng đầu năm mới đạt 18,48%, tương đương cùng kỳ năm 2021, trong đó 17 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân. Bên cạnh đó, Thẩm tra cũng yêu cầu Chính phủ làm rõ các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi của nghị trường chứng khoán, tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng môi giới bất động sản liên kết làm giá, gây sốt đất….cùng các vấn đề liên quan đến đầu vào thức ăn chăn nuôi tăng cao trong sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần của học sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Để thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh các giải pháp quan trọng như: Tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; Bổ sung, điều chỉnh các giải pháp về hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác phòng, chống dịch theo yêu cầu Nghị quyết 30 của Quốc hội, tổng hợp nghiên cứu tổng thể tác động của tình hình thế giới; Xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, tránh làm gián đoạn hoạt động sản xuất, xuất khẩu; Xây dựng giải pháp tổng thể bảo đảm nguồn cung xăng dầu; các kịch bản điều hành giá xăng dầu trong nước; Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với tăng cường kiểm soát, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh gây áp lực lên lạm phát.