• 1233 lượt xem
  • 15:30 07/05/2022
  • Kinh tế

Gỡ khó cho bất động sản du lịch

Sau một thời gian phát triển nóng, thêm hơn 2 năm “đắp chiếu” do tác động của đại dịch Covid-19, thị trường, phân khúc bất động sản du lịch bị chững lại. Hệ quả là nhiều nhà đầu tư không còn “mặn mà” và doanh nghiệp đầu tư bị ảnh hưởng về uy tín, thiệt hại tài chính.

Nút thắt của vấn đề trên là do khung pháp lý cho loại hình bất động sản du lịch hiện nay chưa rõ ràng, gây lúng túng cho công tác quản lý nhà nước và hoạt động đầu tư kinh doanh tại các địa phương. Vậy bài toán nào để giải quyết thực trạng trên?

Theo đánh giá của các chuyên gia, yếu tố cản trở phát triển thị trường bất động sản du lịch hiện nay gồm: Dòng vốn chiếm 30%, khung pháp lý chính sách chiếm 50% và các yếu tố khác chiếm 20%. Số liệu này cho thấy, các quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản du lịch thiếu, không đầy đủ, đã và đang gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư về những rủi ro có thể xảy ra.

Ông LÊ HỮU TRÍ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: “Vấn đề đặt ra ở đây là sự cần thiết phải sớm ban hành 1 văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý giải phóng hàng ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư du lịch yên tâm đầu tư các loại hình bất động sản du lịch.”

Ông LÊ HỮU HOÀNG, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa: “UBND tỉnh Khánh Hòa đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khơi thông hoạt động du lịch và đầu tư bất động sản du lịch.”

Với mục tiêu lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đón trên 50 triệu khách quốc tế, trên 160 triệu khách nội địa, Chính phủ quyết tâm đưa Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu hoạt động du lịch đến năm 2030. Do vậy, các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến bất động sản du lịch được ban hành sẽ tạo điều kiện thu hút nhiều thành phần kinh tế đầu tư trở lại. 

Ông NGUYỄN VĂN ĐÍNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam: “Nếu như môi trường đầu tư còn chơi vơi, tính pháp lý chưa rõ ràng, rủi ro cao thì rất khó thu hút đầu tư, tạo ra những tâm lý e ngại, không dám đầu tư, như vậy khó thu hút nhà đầu tư thứ phát chung tay cùng Chính phủ, các địa phương.”

TS. TRẦN CÔNG PHÀN, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: “Để phát huy vai trò của bất động sản du lịch, tôi cho rằng chúng ta phải rà soát lại các quy định pháp luật có liên quan, nhất là Luật Nhà ở, xây dựng, kinh doanh bất động sản làm sao để bất động sản du lịch chính danh có khuôn khổ pháp lý.”

Để khơi thông được điểm nghẽn pháp lý trong việc cấp giấy chứng nhận cho bất động sản du lịch du lịch, các chuyên gia cho rằng, các địa phương cần có sự thay đổi về tư duy quản lý và tiếp cận vấn đề từ tư duy lợi ích, tính hiệu quả và hệ lụy của bất động sản du lịch trên “đất ở không hình thành đơn vị ở”, từ đó cần sửa đổi từ Luật Đất đai hoặc sớm ban hành các văn bản dưới luật như pháp lệnh, nghị định…

GS.TS. PHAN TRUNG LÝ, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội: “Ở lĩnh vực bất động sản du lịch, chúng ta cần có 1 nghị quyết của Quốc hội, trong đó sẽ sửa, quy định rất nhiều vấn đề, liên quan đến 1 luật sửa nhiều luật. Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất Quốc hội, để giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay.”

Bất động sản du lịch có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, giúp khơi dậy tiềm năng giá trị của đất đai, từ đó tạo ra môi trường không gian rộng mở cho sự phát triển giao thương quốc tế. Do vậy, việc sớm tạo hành lang pháp lý, trong đó cần định danh đối với bất động sản du lịch là một trong những yếu tố quan trọng thu hút đầu tư trong nước và quốc tế đến với Việt Nam.

Hữu Nghĩa