Làm thế nào để hỗ trợ cho ngành đồ uống vượt qua khó khăn, tiếp tục góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế là nội dung của hội thảo “Ngành đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới” do Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam tổ chức sáng 6/5.
Theo hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, trong 2 năm đại dịch, thị trường tiêu thụ của ngành sản xuất đồ uống giảm 20%-30%, doanh thu toàn ngành giảm tới 16% so với năm 2019. Không chỉ chịu tác động của các các biện pháp giãn cách xã hội từ đại dịch Covid-19, ngành sản xuất này còn chịu sự quản lý của các chính sách chuyên ngành, đặc thù như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với các hạn chế toàn diện về quảng cáo, khuyến mại, sản xuất, kinh doanh… ngay cả những doanh nghiệp có tiềm lực cũng sẽ mất rất nhiều năm để có thể phục hồi và quay trở lại đà phát triển như trước đại dịch.
Ông NGUYỄN VĂN VIỆT, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam: “Chúng tôi mong được nhà nước quan tâm, công bằng như các ngành sản xuất khác, vì đây cũng là một ngành kinh tế, kỹ thuật có sự đóng góp lớn. Đồng thời, mong muốn nhà nước tạo điều kiện cho ngành được hoạt động một cách ổn định, vượt qua khó khăn để ngành phục hồi lại như trước đại dịch.”
Một số chuyên gia cho rằng, sau đại dịch, doanh nghiệp cần có thời gian phục hồi. Chính vì vậy, những đề xuất làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp như đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện tác động kinh tế-xã hội.
TS. PHẠM TUẤN KHẢI, chuyên gia luật: “Do điều kiện khó khăn khách quan, chủ quan, thời gian tới nên cân nhắc cách tính thuế và phương pháp tính thuế phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Thế giới có 3 loại thuế là thuế tương đối, tuyệt đối và hỗn hợp thì chúng ta đang áp dụng thuế tương đối và không nên cho rằng đây là ngành nghề nhiều tác hại mà đánh thuế cao, bởi nó không chỉ là ngành sản xuất trong nước mà còn xuất khẩu.”
Một số ý kiến cũng cho rằng gánh nặng thuế, phí cũng sẽ làm giảm sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của ngành sản xuất này trong môi trường đầu tư tại Việt Nam. Do vậy, cần chính sách thuế ổn định, tạo điều kiện cho ngành phát triển ổn định và bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Thực hiện : Song Hiền Thanh Nga Ngọc Tuấn