Góc nhìn hôm nay 01/04/2022: Giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu vẫn giảm nhỏ giọt

Từ 0h ngày 01/4/2022, thuế bảo vệ môi trưởng với xăng dầu được giảm một nửa, từ 1.100 đồng đến 2.200 đồng/lít, theo Nghị quyết 18 của Chính phủ vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Đây là thông tin được người tiêu dùng, các doanh nghiệp đón nhận, khi giá xăng dầu liên tục điều chỉnh tăng 6 lần từ đầu năm, theo giá thế giới.

GIẢM THUẾ MÔI TRƯỜNG: XĂNG GIẢM 1.000 ĐỒNG, DẦU TĂNG MẠNH

Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 giảm về 27.300 đồng, xăng RON 95 là 28.150 đồng. Dầu hoả lên 23.760 đồng một lít, tăng 1.520 đồng. Dầu diesel lên 25.080 đồng một lít, tăng 1.450 đồng. Dầu madut là 20.920 đồng một kg, tăng 500 đồng. Người dân không quá kỳ vọng khi xăng giảm hơn 1.000 đồng/lít. Còn các loại dầu lại tăng mạnh, khiến không ít lái xe vận tải lo lắng.

Anh NGUYỄN HOÀNG VIỆT: Thành phố Hà Nội
 đây cũng là tin vui cho dân vì xăng vừa rồi tăng nhanh quá, qua 1,2 lần chỉnh giảm e cũng thấy vui, e mong tiếp tục giảm nữa.

Ông ĐÀO MẠNH DU: Lái xe taxi công nghệ
“ Nói chung tôi còn mong giảm nữa để cho giá thành vận chuyển khách và vận tải hàng hoá sẽ giảm để cho người dân hưởng lợi ích từu cuộc sống”

Anh NGUYỄN ĐỨC CHÍNH: Phường Minh Khai, thành phố Hà Nội
“Các xe kinh doanh đều chạy dầu. Dầu mà tăng đương nhiên nghề vận tải thiệt hại đầu tiên.”
Điểm khác biệt của Kỳ điều hành lần này là được điều chỉnh sớm hơn, từ 0h thay vì 15h. Đây cũng là kỳ điều hành đầu tiên giá xăng dầu áp dụng mức giảm 50% thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Nếu không áp dụng mức giảm này, ở kỳ điều hành hôm nay, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng 1.069-2.789 đồng. Do thế giới tăng cao, Liên Bộ buộc phải sử dụng kết hợp Quỹ bình ổn giá ở mức hợp lý, để giảm giá xăng và hạn chế mức tăng của giá dầu so với giá thế giới. Cụ thể, Liên bộ Công thương-Tài chính chi 500 đồng một lít với dầu hoả (kỳ điều hành trước là 0 đồng) và không chi Quỹ bình ổn với các mặt hàng xăng, dầu khác.
Mặc dù giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chính thức được áp dụng từ ngày 1/4, thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, để giá xăng dầu “hạ nhiệt”, cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm chia sẻ với người tiêu dùng trong nước.

Ông NGUYỄN TIẾN THOẢ: Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam
“ tôi có 1 kinh nghiệm điều hành năm 2006-2007 khi giá dầu thô tăng 147 đô 1 thùng thì chúng ta đã giảm thuế nhập khẩu về 0% để xăng dầu k tăng cao quá so với sức chịu đựng của nền kinh tế cho nên còn nhiều khoản thuế trong xăng dầu, tổng khoảng 40% thì ta phải tính cho phù hợp với tình hình”
Trước đó, khi giá xăng dầu tăng “ phi mã” liên tục theo giá thế giới, nhiều chuyên gia kinh tế đã từng kiến nghị nên bỏ áp dụng thuế TTĐB với mặt hàng này, bởi xăng dầu là hàng hóa thiết yếu dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng.

Nếu như giá xăng trước đây là 15.000 đồng/lít, số thuế thu được là 1.500 đồng/lít, thì số thuế Tiêu thụ đặc biệt nay đã tăng cao gần như gấp đôi khi xăng chạm mức gần 30.000 đồng /lít. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, cần phải bỏ thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và tiếp tục bỏ luôn thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm này, vì không có tác dụng gì trong việc bảo vệ môi trường như tên gọi của sắc thuế. 

Chính phủ đã áp dụng chính sách giảm 2% cho nhiều loại hàng hóa đang chịu thuế Giá trị gia tăng 10% kể từ đầu tháng 2 năm nay, nhằm góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, để phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư, qua đó khôi phục lại nền kinh tế sau dịch bệnh, cũng như thực hiện an sinh xã hội. Thế nhưng, xăng dầu lại bị “loại” ra khỏi danh sách các mặt hàng được giảm thuế Giá trị gia tăng trong năm 2022, nên giá liên tục tăng cao. Tất yếu, kéo theo hàng loạt hàng hóa tăng giá theo xăng dầu.

Giá xăng dầu hiện nay cõng khoản thuế, phí lên gần 40%, là quá cao, cần điều chỉnh mức chi phối của thuế, phí xuống một nửa so với hiện nay. Các chuyên gia kinh tế đặt vấn đề: Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, sao lại đi tính thuế Tiêu thụ đặc biệt như bia, rượu, ô tô…là những hàng hóa xa xỉ hay không khuyến khích tiêu dùng? Về nguyên tắc, xăng dầu đã chịu thuế nhập khẩu từ 0 - 8%, thuế Giá trị gia tăng 10%, tại sao lại có thêm thuế Tiêu thụ đặc biệt 10% khi đây là mặt hàng thiết yếu?

TÁC ĐỘNG TỪ NGHỊ QUYẾT GIẢM THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
 
Hoạt động từ 2004 đến nay đã được 18 năm, doanh nghiệp vận tải du lịch này vừa trải qua hơn 2 năm lao đao bởi đại dịch Covid-19. Du lịch nội địa dần hồi phục trở lại cùng với chính sách mở cửa du lịch quốc tế, mang lại nhiều tín hiệu lạc quan. Nhưng cũng trong quá trình khởi động trở lại, giá xăng, dầu tăng cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp lĩnh vực vận tải như công ty này không khỏi lo lắng.  

Bà VŨ THỊ MAI: Giám đốc Công ty CP Truyền thông sự kiện Du lịch Phú Dũng 
Chúng tôi mới mở cửa trở lại nên không dám tăng gì, vì phải giữ khách. Và nhiều hợp đồng ký từ đầu năm hoặc từ lúc mở cửa nhưng đến lúc đi thì giá xăng tăng quá thì lợi nhuận thu về sau khi trừ đi các khoản phí thì cũng không được nhiều. Tôi cũng biết được giảm thuế bvmt nhưng giá xăng, dầu thường tăng thì tăng rất nhanh, nhưng giảm cũng chỉ được ít thôi nên tôi cũng chỉ mong làm sao nhà nước giữ được ổn định, không nhảy lên nhảy xuống nhiều quá. 

Theo Nghị quyết 579 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/4 đến hết năm 2022, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ giảm từ 4.000 đồng/lít xuống còn 2.000 đồng/lít, góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ 2.200 đồng/lít đối với xăng. Đối với các doanh nghiệp vận tải, việc này hỗ trợ phần nào khó khăn của họ đồng thời giảm bớt tác động tăng giá dây chuyền lên các ngành khác. Bởi vận tải cũng là đầu vào của nhiều lĩnh vực khác, từ công nghiệp, thương mại đến du lịch.

Ông LÊ CÔNG HẢI : Công ty CP vận tải Hải Thiên 
Cũng biết là rất cố gắng rồi nhưng mà dù sao giờ giá xăng cũng tăng kỷ lục như vậy thì cũng rất khó, người ta vẫn chi tiêu cũng ít đi, đi lại cũng ít 
Theo Bộ Tài chính, do thuế BVMT là số tuyệt đối, CPI là số tương đối nên tác động của việc giảm thuế BVMT đến CPI sẽ giảm dần khi giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng so với hiện hành. Do vậy, nhiều ý kiến nhận định việc giảm một nửa tiền thuế bảo vệ môi trường trên mỗi lít xăng, dầu, mỡ chỉ là một giải pháp tình thế nếu tình hình thế giới nhiều biến động.

TS. NGÔ DUY NGỌ: Chuyên gia Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao
Việc giảm thuế môi trường được đánh giá là 1 trong những biện pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên về lâu dài là không đơn giản, bởi chúng ta vẫn phụ thuộc vào nguồn cung của thế giới đó là dầu thô và chúng ta chưa tự chủ 100% phần dầu thô để chế biến và sản xuất.

Bà NGUYỄN THỊ THU OANH : Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê
Cho dù giá dầu thế giới tăng cao đến đâu thì trong nước vẫn phải đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu. Đồng thời kết hợp các biện pháp thuế phí khác, dự trữ xăng dâu...
Hiện nay mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế: giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường. Như vậy, ước tính, bình quân thuế, phí hiện chiếm khoảng từ 42-43% đối với xăng và 21-27% đối với dầu. Diễn biến của thị trường xăng, dầu trong thời gian qua một lần nữa cho thấy, việc quản lý giá xăng, dầu, thị trường xăng, dầu nói riêng và bảo đảm an ninh năng lượng nói chung cần một chính sách đồng bộ, dài hạn của tất cả các bộ, ngành liên quan với những kịch bản cụ thể để có sự ứng phó kịp thời trước những biến động khó lường của thị trường thế giới.  

Mức giảm 50% thuế Bảo vệ môi trường với xăng dầu trong bối cảnh hiện nay, là cố gắng lớn của Chính phủ. Hiện tại, giá xăng dầu tại các nước đang tăng theo đà tăng giá của thế giới. Mức giảm thuế Bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng, là mức giảm không thấp, nhưng giá xăng tại kỳ điều hành đầu tháng 4, không thể giảm bằng mức đó được do giá dầu thế giới vẫn đang cao. Khách quan mà nói, việc giảm tiếp các loại thuế liên quan mặt hàng xăng dầu cũng chỉ là giải pháp tình thế, nhưng hiệu quả sẽ không như mong đợi. Về thuế suất thuế Tiêu thụ đặc biệt, VN đang đánh vào các mặt hàng hạn chế sử dụng từ 10 - 70%, mặt hàng xăng chịu thuế suất Tiêu thụ đặc biệt thấp nhất là 10%, còn dầu không tính thuế này. 

Trong bối cảnh giá dầu thế giới có những biến động khó lường, thuế nhập khẩu đang giảm dần, không nên kỳ vọng giá trong nước giảm sâu nhờ giảm thuế nhập khẩu nữa, mà phải tìm giải pháp ở thế chủ động. Bởi hiện tại, sản phẩm lọc dầu trong nước đang chiếm 75% thị phần. Vấn đề ở đây, là làm việc với các nhà máy lọc dầu trong nước để tự chủ về giá cho bằng được. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn từng thỏa thuận giá bán phải cộng thêm 7% thuế nhập khẩu. Trong khi hiện tại, thuế nhập khẩu từ ASEAN đến năm 2023 đã dưới 5%, còn nhập xăng dầu từ Hàn Quốc, đã không đánh thuế này từ lâu. Đó là mức “cộng thêm bị hớ” mà ngành xăng dầu cần đàm phán lại với nhà đầu tư để bảo đảm giá cung cấp trong nước ổn định bền vững hơn. Chỉ có con đường tự chủ giá xăng dầu, mới qua vượt qua được cú sốc tăng giá liên tục của thế giới.

TIẾP TỤC GIẢM VÀ BỎ THUẾ MỚI  GIẢM ĐƯỢC GIÁ XĂNG DẦU

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC; Giám đốc Công ty Luật ANVI, Hà Nội
Tại họp báo thường kỳ tháng quý I của Bộ Công Thương diễn ra chiều nay (30/3), Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết tuần tới, Bộ sẽ có buổi làm việc với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về việc cung ứng xăng dầu quý III. Bộ Công Thương sẽ ưu tiên nguồn cung ứng xăng, dầu trong nước, trong đó có nhà máy xăng dầu Nghi Sơn. Việc cung ứng phải được thể hiện bằng cam kết cụ thể qua từng tháng và phần thiếu hụt còn lại sẽ giao thương nhân nhập khẩu.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, năm nay, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước là 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước là hơn 14,4 triệu m3 và còn lại là nhập khẩu. Lũy kế 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nhập khẩu được khoảng 1,4 triệu m3 xăng dầu các loại.

Trong bối cảnh nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải cắt giảm công suất và chỉ cung ứng được 50% sản lượng so với hợp đồng đã ký hoặc cam kết. Nghĩa là thị trường xăng, dầu trong nước sẽ thiếu hụt khoảng 17-20% sản lượng xăng, dầu và như vậy, để tự chủ về giá xăng dầu, vẫn tiếp tục là niềm mong ước.  

Đến đây, chúng tôi xin kết thúc Góc nhìn hôm nay. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. 
Xin tạm biệt và hẹn gặp lại.   
 

Thực hiện : Ngọc Dũng Diệu Huyền