Chữ "mắc cạn" ở đây không phải do tàu thuyền bị hỏng hóc, mà "mắc cạn" do không đủ bù lỗ cho chi phí xăng dầu đi đánh bắt xa bờ. Ngày càng có nhiều tàu cá ở các tỉnh thông báo nằm bờ, điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới cuộc sống của ngư dân mà còn ảnh hưởng tới an ninh quốc gia trên biển. Làm gì để giải quyết bài toán giá xăng dầu cao, tàu "mắc cạn" là câu hỏi cần các cấp chính quyền trả lời.
Liên tục các thông tin được thông báo những ngày qua: khoảng 2.000 tàu cá tại Kiên Giang xu hướng nằm bờ, hơn 50% tàu cá Sóc Trăng thì đang nằm bờ. Thanh Hóa 50% tàu thuyền neo bờ, không đi biển. Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu có xã hơn 60% tàu thuyền không đi đánh bắt...Từ Bắc tới Trung - Nam, đều có tàu cá nằm bờ. Sau nhiều tháng ở nhà do dịch Covid-19, nhiều ngư dân lại tiếp tục cho tàu nằm bờ dù đang vào mùa cao điểm đánh bắt, do giá xăng dầu, chi phí nhân công đều tăng mạnh, còn giá bán hải sản vẫn ở mức thấp hơn trước khi dịch bùng phát, nên càng ra lại khơi càng bị thua lỗ.
Còn thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có tới 40-55% trong số 91.716 tàu cá cả nước đang phải nằm bờ, do chi phí nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân. Và chắc chắn, sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch xuất khẩu thủy sản năm nay. Trong khi đó, nếu tàu thuyền “nằm bờ” quá lâu, sẽ nhanh bị xuống cấp, nhiều ngư dân phải bán tàu và bỏ nghề, vì nhiều người đã phải đi vay tiền ngân hàng để đóng tàu. Nếu đi đánh bắt dù bị lỗ, nhưng vẫn còn có nguồn thu nhập để trả nợ ngân hàng, còn khi ngừng đánh bắt thì khả năng bị vỡ nợ là rất cao.
Để tháo gỡ những khó khăn, kịp thời hỗ trợ cho ngư dân trong thời điểm giá xăng tăng cao như hiện nay thì các bộ, ban, ngành, địa phương cần làm gì? Mời quý vị cùng theo dõi chi tiết trong chương trình sau!
Thực hiện : Ngọc Dũng