Góc nhìn hôm nay: Bài học pháp lý cho trải nghiệm trên không giang mạng

Tối 24/3, Công an TP.Hồ Chí Minh đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng, 51 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam. Theo thông tin ban đầu, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân trên mạng xã hội để đưa thông tin không kiểm chứng

SỐNG ẢO, BỊ BẮT THẬT

Bà Hằng bị bắt về hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại điều 331 Bộ luật Hình sự. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hồ Chí Minh phê chuẩn.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Phương Hằng từ ngày 16-2-2022 đến ngày 29-4-2022.

Vào đầu năm 2021, bà Phương Hằng nổi lên với những buổi họp báo, livestream về tranh chấp liên quan đến ông Võ Hoàng Yên. Sau đó, bà này thường xuyên livestream "gọi tên" nhiều người nổi tiếng khác, thu hút hàng triệu người quan tâm, vượt cả mong ước một số đài truyền hình. Nhiều buổi livestream, bà Hằng đã "tố" nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành, MC Đại Nghĩa... ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lụt năm 2020. 

Sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã vào cuộc điều tra và kết luận các nghệ sĩ này không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp, ủng hộ để cứu trợ đồng bào miền Trung nên không khởi tố vụ án hình sự. Đồng thời, Công an TP.HCM cũng ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với ông Võ Hoàng Yên, nghệ sĩ Hoài Linh, do không có dấu hiệu tội phạm.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục livestream với những ngôn từ phản cảm, tổ chức đến "thăm nhà" nhiều người đang có mâu thuẫn với mình, dẫn đến tập trung nhiều người, gây mất an ninh trật tự ở nhiều địa phương.

Ở chiều ngược lại, bà Hằng cũng bị ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên, ca sĩ Vy Oanh, ông Võ Hoàng Yên, nghệ sĩ Hoài Linh, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Đức Hiển, bà Đinh Thị Lan... tố cáo về hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Việc tố cáo sai sự thật, mang tính bôi nhọ, nhục mạ người khác, đã nằm trong khung pháp luật. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) năm 2021 đã từng có cảnh cáo nghiêm khắc. Đó là: Qua theo dõi, nắm bắt tình hình trên mạng và tiếp nhận thông tin từ báo chí, Cục nhận thấy ngày 14/11, bà Phương Hằng đã tổ chức buổi "gặp gỡ và giao lưu khán giả" tại khu du lịch Đại Nam, được phát trực tuyến trên mạng qua nhiều kênh Facebook, YouTube... Đáng chú ý, trong các phát ngôn của khách mời tham dự buổi livestream có nội dung cho rằng "Báo chí của cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng".

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nhận thấy "nội dung phát ngôn nêu trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam".

Vì vậy, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử yêu cầu Sở TT&TT tỉnh Bình Dương kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật (nếu có) liên quan đến vụ việc trên và báo cáo trước ngày 30/11. Có lẽ, những yêu cầu này chưa được thực hiện nghiêm, nên dẫn đến hệ quả tất yếu: Nữ đại gia này đã bị bắt tạm giam để tiếp tục điều tra!

KHÔNG PHẢI MUỐN LÀM GÌ THÌ LÀM TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Mạng xã hội phát triển không ngừng, ngày càng nhiều người sử dụng. Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” để những người thích kinh doanh có thể rao bán những mặt hàng của mình. Hiện nay trên mạng xã hội, có rất nhiều người kinh doanh online và thành công, có cuộc sống dư dả nhờ công việc kinh doanh đó. Không chỉ là người bán hàng, người mua hàng cũng sẽ rất thuận tiện khi chỉ cần ngồi nhà, chọn một mặt hàng trên mạng xã hội và đợi người ta chuyển hàng đến chứ không cần phải mất công đi lựa chọn ở những cửa hàng xa xôi.

Không chỉ là nơi để giải trí, để buôn bán mà mạng xã hội còn là nơi bồi dưỡng tâm hồn, đời sống tình cảm của con người. Mở mạng xã hội ra, ta có thể thấy những thước phim cảm động đầy giá trị nhân sinh, những câu chuyện cảm động về tình người và cả những hình ảnh khơi gợi lên những cảm xúc tốt đẹp nhất về tình yêu, tình thương của con người với con người.

Nhưng, cái gì cũng có mặt trái của nó, mạng xã hội cũng có nhiều tác hại. nhiều khuynh hướng, lối sống tiêu cực, phản văn hóa đang tác động, lây lan nhanh chóng trong cộng đồng mạng, nhất là người trong độ tuổi thanh thiếu niên. Thật vậy, làm đủ mọi chiêu trò để câu like (lượt yêu thích), câu view (lượt xem) để tăng độ nổi tiếng và kiếm tiền từ Facebook, YouTube cùng các tập đoàn có nhu cầu quảng cáo sản phẩm gần như là mô hình chung của hầu hết blogger, vlogger hay streamer Việt Nam trên internet, mạng xã hội. Trong đó, nhiều hành vi của nhóm người này thật sự đáng lên án khi họ tận dụng cả nỗi đau, tai nạn, scandal (vụ bê bối) của các nạn nhân để phục vụ nhu cầu “nuôi sống” tài khoản mạng xã hội, cúng “thần Facebook” của mình. Mới đây, khi một nghệ sĩ hài ở phía nam qua đời đột ngột, tại tang lễ nghệ sĩ này đã xuất hiện nhiều người hiếu kỳ vốn không hề quen biết nghệ sĩ, họ đến chỉ nhằm chen lấn, xô đẩy để livestream, quay video người nổi tiếng, từ đó nhiều clip được đăng tải, nhiều bài viết liên quan.

Trở lại vụ bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng. Kết luận bà này phạm tội gì, khung hình phạt như thế nào… sẽ do cơ quan điều tra cùng các cơ quan tố tụng công bố sau. Tuy nhiên, việc khởi tố đối với bà Hằng đã được dự báo từ trước do trước đó, nhiều cá nhân tố cáo bà Hằng về hành vi bôi nhọ, vu khống... trên mạng xã hội thông qua các buổi livestream. Đáng chú ý là nội dung trong các buổi livestream của bà Hằng luôn có dấu hiệu đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận khi liên tục chửi bới, xúc phạm đến nhiều người và đưa ra rất nhiều thông tin chủ quan, ngôn ngữ thiếu chuẩn mực. Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, quyền tự do đó phải trong khuôn khổ pháp luật. Nếu đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận sẽ xâm phạm đến các quyền hợp pháp khác của công dân.

ĐỪNG ĐỂ TAI HỌA ĐẾN TỪ MIỆNG

Mời Quý khán giả theo dõi trao đổi giữa Truyền hình Quốc hội Việt Nam với luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội xoay quanh các góc nhìn pháp lý về sự việc này.

Điều 331 của Bộ luật Hình sự quy định về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Ngoài Công an TP.HCM, hiện cơ quan Công an và ngành chức năng một số tỉnh, thành đã tiếp nhận, thụ lý nhiều đơn kiện của các cá nhân tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng có nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều ý kiến đồng tình, có những ý kiến tiếc nuối cho bà nữ đại gia này sao không tập trung kinh doanh và làm từ thiện, lại chuốc họa vào thân từ những phát biểu không còn trong giới hạn pháp luật và văn hóa. Câu trả lời sẽ có sau khi Kết luận điều tra được công bố.

Chỉ biết rằng, cái giá phải trả cho sự ngông cuồng trên mạng xã hội, là quá đắt!

Đến đây, chúng tôi cũng xin kết thúc Góc nhìn hôm nay. Cảm ơn quý khán giả đã quan tâm theo dõi. Xin tạm biệt và hẹn gặp lại!

Nguyễn Duyên