Góc nhìn hôm nay: Báo động đỏ về tín dụng đen

Thời gian qua, tín dụng đen đã lây lan rộng khắp đến các vùng miền và có dấu hiệu tăng trở lại. Không chỉ cho vay lãi ngày như trước, các đối tượng còn thông qua mạng xã hội (zalo, facebook), các app, website để cho nhiều bị hại vay lãi nặng, rồi tập trung đòi nợ, siết nợ gây bức xúc, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Ngăn chặn, xử lý triệt để, nghiêm minh các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” để tín dụng đen không còn đất sống là yêu cầu cấp thiết hiện nay. 

KẾT QUẢ PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM TÍN DỤNG ĐEN

Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương rà soát, phát hiện các cơ sở kinh doanh, cá nhân, băng nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen và tăng cường xử lý các vi phạm.

Kết quả, đã khởi tố 1.575 vụ/3.399 bị can; xử phạt hành chính 719 vụ/1.182 đối tượng. Riêng tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã khởi tố 1038 vụ/2025 bị can; xử lý hành chính 359 vụ/485 đối tượng.

Do đấu tranh trấn áp quyết liệt nên tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đã được kiềm chế; nhiều chỗ tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, có lúc, có nơi tình trạng này còn diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động biến tướng cho vay qua mạng (app) khó phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Công tác quản lý nhà nước đối với các nền tảng mạng xã hội còn hạn chế; việc tiếp nhận, xác minh, xử lý các tin báo tố giác tội phạm gặp khó khăn do các đối tượng sử dụng tài khoản ảo, sim điện thoại rác, sử dụng công nghệ cao để thực hiện. Bên cạnh đó, chế tài xử lý về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quá nhẹ (hình phạt cao nhất là 3 năm tù) chưa đủ sức răn đe.

CÁC CHIÊU TRÒ CỦA “TÍN DỤNG ĐEN” 

Con số 1.575 vụ với 3.399 đối tượng liên quan đến tín dụng đen bị khởi tố đã phần nào nói lên độ nóng của loại tội phạm này. Đặc biệt, qua đấu tranh với tội phạm tín dụng đen, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều chiêu trò mà tội phạm thường xuyên sử dụng. Mới đây, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an phát hiện, triệt phá một đường dây cho vay lãi nặng qua app hệ thống online có quy mô xuyên quốc gia, liên quan đến gần 300 đối tượng, trong đó có các đối tượng là người nước ngoài.

Các mũi của Ban chuyên án đã triệt phá 7 cơ sở của tổ chức cho vay lãi nặng dưới hình thức tín dụng đen ở 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, bắt gần 300 đối tượng và thu giữ toàn bộ tang vật có liên quan. Đặc biệt, có đối tượng là người nước ngoài, giữ vai trò giám đốc điều hành của 1 công ty liên quan đến hệ thống cho vay tín dụng…

Đối tượng trong đường dây: “Em ở công ty Newstar, công việc của em là tư vấn cho khách vay. Người vay chỉ cần chứng minh thư, lãi thì trên app có hết rồi. App là vaynhanhpro” 

Đối tượng trong đường dây: "Em chỉ gọi điện thoại cho khách có cần vay tiền không, nếu cần thì em sẽ tư vấn cho khách, ứng dụng vay tiền, app là Catvn. Em vào làm được 5,6 tháng mỗi tháng được 7,8 triệu. Nếu không đủ thì sẽ bị trừ. Hàng ngày làm việc tại công ty tại Đội Cấn." 

Theo hình thức này, người vay chỉ cần chụp ảnh CMND hoặc CCCD và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2 đến 30 triệu đồng mà không cần ký kết bất cứ một giấy tờ vay nợ nào. Người vay sẽ phải thanh toán trong vòng 3-5 ngày số tiền gốc ban đầu, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân.

Nếu con nợ không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên, “lãi mẹ đẻ lãi con” lên tới 1.570% - 2.190%/năm. Khi người vay không thanh toán được, các đối tượng sẽ cho bộ phận đòi nợ được phân cấp khác nhau nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, khủng bố tinh thần từ "con nợ" đến người thân của họ. Thậm chí, chúng còn cắt ghép hình ảnh của "con nợ" rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ uy tín, hạ danh dự, làm nhục để thúc ép "con nợ", hoặc người nhà phải trả tiền.

TÍN DỤNG ĐEN BỦA VÂY KHU CÔNG NGHIỆP, CÔNG NHÂN KHỐN ĐỐN

Chỉ một vụ án, một đường dây đã có số lượng gần 300 đối tượng tham gia, còn các nạn nhân của vụ án này, chắc sẽ lớn hơn rất nhiều. Đáng chú ý là nạn nhân của tín dụng đen phần lớn là những người dân nghèo, công nhân lao động, những người không có nghề nghiệp hay thu nhập ổn định. Lợi dụng những khó khăn của người có thu nhập thấp, tín dụng đen đã bằng nhiều hình thức luồn lách thâm nhập vào mọi ngõ ngách để mời chào khách hàng. Thời gian qua hàng trăm lao động đã tan nhà nát cửa vì hoạt động này.

Thuê trọ tại phường Tân Phú, TP. Thủ Đức, anh Giang nhận được tin nhắn cho vay tiền qua app với lời giới thiệu thủ tục nhanh gọn, giải ngân trong vòng 2 giờ cùng lãi xuất ưu đãi. Trong lúc khó khăn, không đắn đo anh đã làm theo hướng dẫn trên app để vay 70 triệu đồng. Thế nhưng tiền vay đâu không thấy chỉ biết anh đã phải đi vay mượn thêm tiền bên ngoài với lãi xuất 10%/tháng để chuyển theo yêu cầu nhân viên cho vay và mất trắng.

Nạn nhân tính dụng đen: “Tôi làm xong hồ sơ, nó nói hồ sơ bị sai phải nạp 10 triệu cho nó, tôi chuyển 10 triệu nhưng rút vẫn không được vì hồ sơ vẫn bị sai, đến lần thứ 3 tôi chuyển cho nó 40 triệu nhưng hồ sơ vẫn bị sai. Sau đó, nó kêu tôi chuyển tiếp 70 triệu để xử lí hồ sơ thì tôi nhận ra tôi đã bị lừa." 

Người phụ nữ này lại là một nạn nhân khác của các nhóm cho vay nặng lãi. Trước đó, do khó khăn trong kinh doanh chị đã phải vay tiền của một nhóm đối tượng tại quận Bình Tân với mức lãi xuất 21%/tháng kết quả với số tiền vay 13,5 tỷ đồng. Đến hạn không có tiền thanh toán, lãi mẹ đẻ lãi con chị đã phải trả cho nhóm đối tượng này hơn 40 tỷ đồng thế nhưng đến khi không còn khả năng chi trả chị đã bị các đối tượng trực tiếp hành hung, khóa cửa ngoài và tưới xăng đe dọa, khủng bố tin thần.

Nạn nhân tín dụng đen: “Tôi ở căn hộ, nó tới bao vây ở dưới xong nó nhắn lên mày mà không có tiền xuống đây tao chặt giò mày. Rồi không biết nó làm cách nào nó lên được trên căn hộ luôn, nó đập phá nó làm inh ỏi luôn, trong lúc đó nói thiệt thời gian đó tôi sống không bằng chết" .

NGĂN CHẶN THỦ ĐOẠN LÔI KÉO CÔNG NHÂN VỀ TÍN DỤNG ĐEN

Thực tế nhiều người lao động, công nhân gặp khó khăn về tài chính nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên buộc phải tìm đến tín dụng đen. Và khi mà người lao động không có khả năng trả nợ thì bị đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, bôi nhọ danh dự, ảnh hưởng đến công việc, thậm chí hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tại Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân, vấn đề này cũng đã được đề cập.

Giải đáp nội dung này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN cho biết, NHNN cũng đã phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu vì sao tín dụng đen còn đất để hoạt động. Từ thực tế ông Tú cho biết do có nhu cầu vay từ người lao động, nhất là vùng khó khăn. Và khi có cầu, ắt phải có cung. Thời gian tới, NHNN sẽ nghiên cứu, phối hợp với các cấp chính quyền để triển khai để người lao động tiếp cận vốn.

Ông ĐÀO MINH TÚ, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng nhà nước: “NHNN tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay, không cần những thủ tục phức tạp để người dân tiếp cận với những khoản tín dụng không lớn. Chủ trương cho vay phát triển nhỏ lẻ, và thị trường bán lẻ đẩy mạnh hơn. Thứ hai là sử dụng những biện pháp công nghệ để người vay tiếp cận những khoản vốn này." 

Về giải pháp ngăn chặn tín dụng đen, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, các đối tượng thường núp bóng dưới vỏ bọc doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính. Đồng thời cho vay không thế chấp, huy động vốn,  góp vốn, góp tài sản kinh doanh.

Thượng tướng LƯƠNG TAM QUANG, Thứ trưởng Bộ Công an: “Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp có liên quan tới hoạt động này. Đồng thời phát hiện tội phạm vi phạm pháp luật, xử lý những doanh nghiệp lợi dụng chính sách này. Đồng thời, rà soát các ngành nghề kinh doanh thường bị các đối tượng hoạt động tín dụng đen lợi dụng để núp bóng và sẽ siết chặt quản lý, triệt phá. Đồng thời mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm trên toàn quốc liên quan tới tín dụng đen.”

Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH:Để phòng chống tiêu cực trong tín dụng đen cần có giải pháp, Bộ Công an phải nắm chắc tình hình, xử lý nhanh , ngăn kịp thời đối tượng vi phạm, hậu quả xấu, tác động đến nền kinh tế trong đó có nhân dân lao động.”

Qua công tác đấu tranh của Bộ Công an cho thấy có những nơi lãi suất 90-100% /tháng, thậm chí lên đến 700% - 1000%/tháng. 

TĂNG CƯỜNG CÁC KÊNH CHÍNH THỨC, HẠN CHẾ TÍN DỤNG ĐEN

Tín dụng đen núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính có hoặc không có giấy phép kinh doanh với lãi suất cắt cổ, có nơi lên tới 1000% một tháng. Đáng nói là trong quá trình hoạt động tín dụng đen thường phát sinh mâu thuẫn giữa người đi vay với người cho vay, giữa các ổ nhóm cho vay, có hiện tượng đòi nợ thuê, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… dẫn đến những hệ lụy to lớn cho gia đình, xã hội. Bà NGUYỄN THỊ HỒNG - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, một trong những giải pháp lâu dài để giải quyết vấn nạn này là tạo điều kiện để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các nguồn tín dụng hợp pháp.

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: " Với góc độ của Ngân hàng Nhà nước thì được giao nhiệm vụ làm thế nào để tăng cường các kênh tiếp cận tín dụng chính thức, trong thời gian vừa qua về hành lang pháp lý chúng tôi đã ban hành Thông tư cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, trong đó có một phần quy định về cho vay phục vụ nhu cầu của đời sống. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, sửa đổi để có thể cho áp dụng những công nghệ vào hoạt động cho vay. Ngoài ra, trong chỉ đạo điều hành thì Ngân hàng Nhà nước cũng luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải đa dạng hóa sản phẩm, cũng triển khai các chính sách cho vay trong hoạt động chính sách ở vùng sâu, vùng xa. 

Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì xây dựng chiến lược về tài chính toàn diện quốc gia và theo đó thì tất cả những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc cũng như là những người yếu thế cũng sẽ được quan tâm để triển khai và đặc biệt chúng tôi cũng phối hợp rất tích cực và Bộ Công an cũng rất tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức các Hội nghị về phòng, chống tín dụng đen ở rất nhiều khu vực trên các tỉnh, thành trong thời gian vừa qua.

Một điểm quan trọng, đó là chúng tôi rất chú trọng đối với truyền thông để làm sao bà con ở vùng sâu, vùng xa, ở vùng nông thôn hiểu được các chính sách về tín dụng của Nhà nước, tín dụng cho hộ nghèo, đối tượng chính sách, v.v." 

Quả thật là hoạt động tín dụng đen đã đến mức báo động đỏ. Để ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, bên cạnh giải pháp mà Thống đốc Ngân hang Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng vừa cho biết là tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận với các nguồn tín dụng hợp pháp thì các cơ quan chức năng phải nhanh chóng, kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”, xử lý triệt để, nghiêm minh các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án liên quan đến các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động. Thông tin cụ thể về tình hình, giải pháp cho vấn đề này chắc chắn sẽ được làm rõ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp phiên chất vấn vào 8h00 ngày 10/8.

Thu Quỳnh