Nhà máy Bia Hà Nội tại 183 Hoàng Hoa Thám-quận Ba Đình, Nhà máy thuốc lá Thăng Long tại 235 Nguyễn Trãi-quận Thanh Xuân, Tổng kho xăng dầu Đức Giang tại 26 phố Đức Giang-quận Long Biên, hay Công ty In báo Hà Nội Mới tại 35 phố Nhà Chung-quận Hoàn Kiếm... sẽ phải di dời trong 5 năm tới. Đây là Danh mục 9 cơ sở phải di dời khỏi khu vực nội đô đợt 1, theo quyết tâm mới nhất của TP.Hà Nội. Lại thêm một lần hạ quyết tâm dứt điểm chuyện di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm, mặc dù chuyện này đã từng được “xướng danh” hàng chục năm qua, theo Quyết định số 130 của Thủ tướng Chính phủ cùng các Nghị định liên quan.
TP.Hà Nội đặt mục tiêu tới năm 2020, sẽ di dời gần 120 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành. Nhưng tới nay, mục tiêu này đã không thành hiện thực. Còn người dân sinh sống quanh những khu vực này, liên tục phải chịu đựng môi trường ô nhiễm.
Vì chậm di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ quan hành chính...khỏi nội đô Hà Nội, đang gây nhiều áp lực về dân số, môi trường, hạ tầng đô thị khu vực trung tâm. Tắc đường, giờ không còn ở mỗi giờ cao điểm nữa, mà thường xuyên, bất kể đầu tuần hay cuối tuần. Thậm chí, giờ nào cũng tắc đường.
Vẫn biết, tồn tại các cơ sở sản xuất này, cũng là một nguyên nhân chính. Nhưng, dù có muốn, vẫn chưa thể ‘bẩy” chúng khỏi nội đô. Bởi, không vướng cơ chế này, thì lại đụng phải chính sách khác. Luật Thủ đô, tuy có một số cơ chế đặc thù, nhưng vẫn chưa thực sự phân quyền chủ động, để Hà Nội dám "quyết" một cách mạnh mẽ, dứt khoát chuyển những nhà máy, công sở hành chính...ra ngoại ô. Đây là vấn đề thành phố Hà Nội đã biết từ lâu, muốn làm, nhưng lại chưa thể thực hiện được, bởi thiếu các chính sách phân cấp, phân quyền. Bởi vậy, sẽ không phân quyền nửa vời, là nội dung được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ, về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều ngày 10.11.2023, mới hy vọng tạo cơ chế mới.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chương trình!