Góc nhìn hôm nay: Chặn từ gốc suy thoái, tiêu cực, tham nhũng

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như 10 năm qua, đã tạo bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, để lại dấu ấn tốt...

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những hạn chế, tồn tại, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu ngăn chặn từ gốc các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, tham nhũng.

CHỐNG GIẶC NỘI XÂM: 10 NĂM ĐẤU TRANH KHÔNG KHOAN NHƯỢNG

Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, trong 10 năm qua (2012 – 2022), cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị xử lý do tham nhũng.

Hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (đầu năm 2021) đến nay, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng.

Ban chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở ba cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc. Các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án , với gần 1.100 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỉ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Rõ ràng, sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về chống tham nhũng, tiêu cực, công tác này đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Thể chế, pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng ngày càng hoàn thiện. Công tác phối hợp điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng cũng ngày càng bài bản, chặt chẽ. Chính vì vậy những lĩnh vực mới, khó, nhạy cảm đã được phát giác và lôi ra ánh sáng. Con số hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý bị kỷ luật đã phần nào minh chứng cho điều này. 

 KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC ĐỂ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG 

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng: Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức.

Một trong những giải pháp quan trọng nhất để có thể chống tham nhũng từ gốc là thực hiện kiểm soát quyền lực, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Cùng theo dõi giải pháp mà các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia đề xuất. 

Thực tế công tác phòng chống tham nhũng đang đòi hỏi phải có cơ chế hữu hiệu kiểm soát quyền lực Nhà nước, quyền lực trong Đảng để khi cán bộ  được giao nắm giữ các chức vụ, vị trí trong bộ máy Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội phải hoạt động đúng theo khuôn khổ của pháp luật. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn; ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Có như vậy, tham nhũng, tiêu cực mới có thể được ngăn chặn từ gốc một cách hiệu quả.

Xin mời quý vị và các bạn cùng theo dõi nội dung chương trình!
 

Thu Quỳnh