• 2838 lượt xem
  • 07:41 30/06/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Chống gian lận thi cử - Câu chuyện nóng trước kỳ thi

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, đề thi môn Sinh học bị phát hiện có tới 32/40 câu giống tài liệu ôn tập của một thầy giáo tại Hà Tĩnh. Sau gần một năm, Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với hai người là tổ trưởng và thành viên tổ ra đề thi.

Thông tin được đưa ra ngay trước khi diễn ra kỳ thi THPT 2022, một lần nữa khiến toàn xã hội càng băn khoăn và đặt kỳ vọng vào một kỳ thi sao cho minh bạch và an toàn.

Kì thi THPT quốc gia luôn là 1 trong những sự kiện lớn, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Đảm bảo thi nghiêm túc, công bằng là trọng trách của cơ quan liên quan, nhất là trong bối cảnh thiết bị gian lận ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, thí sinh, nhà trường và toàn xã hội cũng phải nâng cao ý thức về vấn đề này. Trước hết, mời quý vị và các bạn theo dõi phóng sự sau. 

Những thiết bị chỉ bé bằng hạt đậu, dùng để nhét vào tai và có thể thu - phát tín hiệu ra ngoài. Những thiết bị này vừa bị Công an quận Nam Từ Liêm thu giữ của một nhóm đối tượng hành vi buôn bán các thiết bị cấm. Qua khám xét, lực lượng chức năng thu giữ hàng trăm thiết bị camera giấu kín và các thiết bị quay - rung, tai nghe siêu nhỏ phục vụ cho việc gian lận trong thi cử.

Đối tượng NGUYỄN ĐÌNH MẠNH, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh: “Em muốn kiếm thêm thu nhập cho gia đình nên em bán thêm”.

Trung tá ĐẶNG MINH CƯỜNG, Công an quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội:Sau khi bắt đối tượng và thu giữ các thiết bị tại Mễ Trì, chúng tôi mở rộng vụ án và bắt đối tượng tại Lạng Sơn là đầu mối cung cấp xuống Hà Nội. Khám xét tại căn phòng ở Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) phát hiện 600 thiết bị quay lén, gian lận trong thi cử...”.

Trong buổi làm việc của Đoàn công tác số 1 Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với tỉnh Nam Định, vấn đề phòng chống gian lận cũng được quán triệt kĩ. Đại diện Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ ra nhiều mánh khóe, lưu ý với các giáo viên các kẽ hở mà thí sinh có thể lợi dụng để gian lận. 

Ông NGUYỄN HỮU ĐỘ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:Đề nghị các đồng chí Bộ Công an cũng bố trí người kiểm soát khu vực bên ngoài, tường rào. Vì để đồ cách phòng thi 25m nhưng ví dụ như phòng thi gần tường, họ để cái điện thoại gần tường rào, 1 góc nào đó, không cần nhà dân đâu, nếu không có ai quản lý thì cũng không được.”

Với tính chất cạnh tranh khốc liệt của kỳ thi, khi có tới gần 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, việc tổ chức kỳ thi diễn ra an ninh, an toàn và công bằng, khách quan, bảo đảm chất lượng đầu vào cho các trường đại học là mục tiêu trọng tâm của toàn ngành giáo dục và đào tạo.

Theo quy định mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thí sinh phải để đồ cách phòng thi 25m nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thi cử bằng công nghệ cao. Tuy nhiên, quy định này đang vấp phải khó khăn trong quá trình triển khai ở một số địa phương. 

Chuyện gian lận thi cử luôn là vấn đề nóng mỗi khi kỳ thi tới gần, nhưng nay vấn đề này đã xảy ra ở khâu bảo mật đề thi. Vụ việc hai người là tổ trưởng và thành viên tổ ra đề thi môn Sinh học của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vừa bị khởi tố đang được dư luận quan tâm. 

Sau vụ lộ đề thi môn Sinh học này, nhiều người đặt vấn đề là lỗ hổng ra đề thi nằm ở đâu và làm thế nào để chấm dứt việc này? Liệu đề môn Sinh lọt ra ngoài từ những người trong ban ra đề hay nội dung ôn tập của giáo viên luyện thi được đưa vào cho những người trong cuộc, làm căn cứ xây dựng đề thi chính thức?

Thầy giáo Đinh Đức Hiền là người đã phát hiện ra bất thường trong đề thi môn Sinh học khi phân tích những nội dung ôn tập của một thầy giáo có sự trùng khớp rất lớn với đề thi sau đó. Sau vụ việc này, nhiều người đặt ra thắc mắc về quy trình bảo mật đề thi. 

Thầy giáo ĐINH ĐỨC HIỀN, giáo viên bộ môn Sinh học: “Các câu hỏi sẽ được rút ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi, sau đó tổ ra đề sẽ biên soạn từ những câu hỏi ngẫu nhiên đó trở thành 16 mã đề gốc - 16 mã đề thô. Từ 16 mã đề thô trong máy tính sẽ được rút ngẫu nhiên ra 4 mã đề thô. Từ đó, hội đồng thẩm định sẽ xem xét và thống nhất 4 mã đề duyệt chốt. Nếu tuân theo quy trình 2 lần ngẫu nhiên như vậy thì xác suất trùng khớp hơn 90% của 1 đề là cực kỳ khó xảy ra”.

Theo chuyên gia về khảo thí, lỗ hổng có thể đến từ xây dựng ngân hàng câu hỏi. Nếu ngân hàng đủ lớn thì rất khó trùng lặp đề thi.

Như ngân hàng đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022 sử dụng trên 12.000 câu hỏi. Từ khâu làm đề thi trắc nghiệm cho đến trông coi thi, mỗi cán bộ chỉ thực hiện một công đoạn nhỏ trong quy trình tổng đó.

GS.TS NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: “Chúng tôi có hàng chục nghìn câu hỏi và làm nhiều năm và hàng năm update (cập nhật). Đề thi chúng tôi chỉ lấy 150 câu hỏi thôi. Các bạn thử tưởng tượng 150 tổ hợp của hàng chục ngàn câu hỏi đó sẽ cho hàng triệu phương án khác nhau, nên rất khách quan. Cán bộ coi thi cũng lấy từ nhiều nguồn khác nhau”.

GS.TS NGUYẾN TIẾN THẢO - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội:Sau khi tổ hợp, chúng tôi kết xuất đĩa đề thi. Từ ngân hàng cho đến đĩa đề thi là hoàn toàn bảo mật, mã hóa không can thiệp, không ai nhìn được trong đĩa đó có gì”.

Theo các chuyên gia, việc bảo mật trong quy trình làm thi nếu được thực hiện nghiêm ngặt sẽ hạn chế tiêu cực xảy ra từ yếu tố con người.

PGS.TS NGUYỄN PHONG ĐIỀN, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: “Ý tưởng và phương hướng ra đề của họ trước khi thực hiện cách ly làm đề, không được chuyển đổi và hiện thực hóa thành đề thi gốc là rất quan trọng. Ta phải rút ngẫu nhiên, thực hiện quá trình trao đổi. Trưởng ban phải rút ngẫu nhiên cấu phần đề thi để ráp thành đề thi gốc. Tất cả quy trình như vậy chủ yếu là trước khi vào làm đề mà phải căn cứ vào một thư viện đề được chuẩn hóa”.

Thi cử luôn có 3 khâu quan trọng: ra đề, coi thi và chấm thi. Năm 2018, gian lận thi cử đã xảy ra ở khâu chấm thi ở Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La…  3 năm sau đó, câu chuyện tiêu cực trong thi cử lại xảy ra với khâu ra đề thi môn Sinh học. Điều này một lần nữa cảnh báo về việc cần thực hiện nghiêm túc các quy định bảo mật, để mỗi kỳ thi diễn ra an toàn và bảo đảm quyền lợi công bằng cho các thí sinh.

Theo số liệu của Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, trên 87% trong số thí sinh đăng ký dự thi vẫn sử dụng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học. Do đó, tính cạnh tranh của kỳ thi vẫn cao và tiềm ẩn các nguy cơ gian lận. Vì thế, một nhiệm vụ rất quan trọng của kỳ thi là áp dụng nghiêm túc các quy định, giải pháp ngăn chặn tiêu cực thi cử ở tất cả các khâu - in sao đề thi, coi thi, chấm thi.

Để đảm bảo không có sai sót trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh quy định liên quan tới quy trình làm đề thi, đồng thời đề nghị các ban ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để đảm bảo kỳ thi an toàn. 

Để tìm hiểu thêm vấn đề này, chúng tôi đã kết nối điện thoại để phỏng vấn ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mời các bạn theo dõi cuộc trao đổi!

Có thể nói, giáo dục là một lĩnh vực rất “nóng” khi hầu hết mỗi gia đình đều có con em đi học và giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu. Cũng bởi vậy, kỳ vọng của xã hội với ngành giáo dục “thanh khiết, vô nhiễm với tiêu cực” là rất lớn. 

Đối với thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi này ảnh hưởng đến hàng triệu thí sinh trên cả nước. Nếu quá trình ra đề thi có vấn đề sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh. Một em đỗ “oan” thì cũng có em “trượt oan". Như vậy, cơ hội của những học sinh học thật, thi thật đôi khi lại bị đánh mất vì những gian lận nào đó. Vẫn cần nhắc lại, gian lận mới chỉ là kẻ thù bé nhất, dễ chống nhất của học thật, thi thật. Trong đánh giá, khó hơn, tệ hơn là đánh giá sai dẫn tới kết quả sai, không đảm bảo công bằng trong giáo dục.