Góc nhìn hôm nay: Chưa minh bạch tái định cư

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 27/3/2023, đã có hơn 9 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và tập trung vào nhiều nội dung như: Cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất.

Chuyện thu hồi đất, bồi thường và tái định cư …là một trong những nội dung trọng tâm được góp ý nhiều đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Xuyên suốt nội dung này là việc tái định cư cho người dân, phải đảm bảo nguyên tắc cuộc sống nơi ở mới bằng, hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và nhà quản lý góp ý tâm huyết tại những hội thảo vừa qua, quy định về tái định cư phải được cụ thể hóa nội hàm, mới đảm bảo đời sống người dân sau khi bị thu hồi đất. Bởi, qua thực tế nhiều dự án sau khi thu hồi đất, người dân mòn mỏi chờ được tái định cư. Hoặc, nơi tái định cư không có đường đi, điện chiếu sáng, nước sạch để đảm bảo cuộc sống cơ bản... như ghi nhận sau đây tại tỉnh Thái Nguyên.

Từ vụ việc ở Thái Nguyên này cũng tương tự như nhiều địa phương khác, cho thấy: Việc xây dựng các khu tái định cư thường bị động, cơ sở hạ tầng không được đầu tư theo quy định, chưa quan tâm đầy đủ đến nhu cầu và điều kiện của người được tái định cư. Có nơi đang tồn tại các khu nhà ở xã hội, nhà tái định cư xây dựng xong nhưng bị bỏ hoang và xuống cấp, gây lãng phí quá lớn. Các dự án thường ít chú ý đến việc bảo đảm nguồn thu nhập tại nơi ở mới cho người tái định cư. Để bảo đảm tính công khai, minh bạch, thì phải có quy định về mức sống tối thiểu ở nơi tái định cư. Ví dụ, diện tích nhà ở tối thiểu/đầu người, mức thu nhập bao nhiêu? Đồng thời, cần thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi.

Chuyện tái định cư sau thu hồi đất chưa tốt, chưa minh bạch, dẫn đến khiếu nại-tố cáo kéo dài, mà nguyên nhân sâu sa cũng từ quy định chưa chi tiết tại Luật Đất đai 2013. Nhiều vụ việc nổi cộm và phức tạp kéo dài tại Khu công nghệ cao TPHCM, Thủ Thiêm, Công viên lịch sử-văn hóa TPHCM, Kho bạc Nhà nước K92 tại Hà Nội, hay là khu tái định cư Long Bửu 2-TP. Thủ Đức... cũng xuất phát từ cách làm sai và chính quyền địa phương lại dùng cái sai sau để sửa cho lỗi trước đó.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Ngọc Dũng