Góc nhìn hôm nay: Chưa thu hồi được 30% tài sản tham nhũng

Giai đoạn 2013-2020, thu hồi tài sản tham nhũng mới đạt 32%. Đến nay đã thu hồi được gần 70%. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 30% tài sản tham nhũng, thất thoát không thu hồi được. Một trong những điểm nghẽn là do cơ chế ủy thác xử lý tài sản trong Luật Thi hành án dân sự cần được tháo gỡ, cùng với đó là quản lý nguồn gốc và dịch chuyển của tài sản đối với cá nhân, tổ chức.

Mới đây, Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự đối Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, Công ty Cổ phần Nova (của Phan Văn Anh Vũ, tức "Vũ nhôm"), là nhà đất tại số 129 Pasteur (P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.Hồ Chí Minh) trị giá vài nghìn tỷ đồng. Có thể coi là một vụ điển hình thu hồi được từ tài sản lớn tham nhũng, bất minh năm 2022.

Thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát sau khi tuyên những vụ án hình sự lớn, là rất khó khăn, do từ cơ chế hiện hành cho đến tổ chức thực thi. Đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền hay các ngân hàng, cơ quan quản lý nhà đất... phải có sự phối hợp với nhau. Có thể chưa thu được ngay tài sản, nhưng phải kiểm soát để tài sản không bị tẩu tán và hợp thức hóa. Điều cốt lõi là phải điều tra, kê biên, niêm phong tài sản tham nhũng, tài sản liên quan đến trách nhiệm thi hành án sau này, mới thuận lợi khi xử lý tài sản. Hiện tại, gần như phó thác hết cho cơ quan Thi hành án đi xác minh, giải quyết, điều tra xem có tài sản hay không, có vướng mắc gì không, là không đúng thẩm quyền giải quyết và kéo dài thời gian thu hồi.  

TỒN ĐỌNG HÀNG CHỤC NGHÌN TỶ ĐỒNG THAM NHŨNG

Cục Thi hành án Dân sự TP.Hồ Chí Minh mới đây tổ chức cưỡng chế Khu nhà đất địa chỉ 129 Pasteur, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.Hồ Chí Minh có diện tích 2.264 m2, ước tính giá trị tài sản trên 3.500 tỉ đồng, là tài sản mua bán bất minh của Phan Văn Anh Vũ, để bàn giao cho Bộ Công an. 

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm năm 2019 tại Hà Nội, cùng Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án Nhân dân tối cao xét xử vụ án Phan Văn Anh Vũ, đã phán quyết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để được nhận 7 dự án nhà đất công sản không phải qua đấu giá và được hưởng các ưu đãi khác nhằm hưởng lợi bất chính, trong đó có tài sản nhà đất số 129 Pasteur.

Trước đó, quá trình tổ chức thi hành án, bên quản lý tài sản là Công ty Cổ phần Đầu tư Peak View không tự nguyện bàn giao tài sản, đã khóa cửa và niêm phong tất cả các phòng làm việc, cổng ra vào khu nhà 129 Pasteur. Do đó, Cục Thi hành án Dân sự TP.Hồ Chí Minh đã tiến hành cưỡng chế theo ủy thác của Cục Thi hành án Dân sự thành phố Hà Nội, trục xuất toàn bộ người và tài sản ra khỏi nhà đất số 129 Pasteur, để bàn giao tài sản cho Bộ Công an. Đến gần 12 giờ cùng ngày, đã cơ bản hoàn thành việc cưỡng thi hành án, bàn giao tài sản. 

Ông HOÀNG THẾ ANH, Giám đốc TT Thống kê, Quản lý dữ liệu Tổng cục Thi hành án Dân sự: “Đây chỉ số ít thi hành án các vụ tham nhũng và kinh tế được thu hồi. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng có giá trị lớn đã được đưa ra xét xử, tổ chức thi hành án nhưng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm thi hành giá trị thấp, thậm chí tài sản đã bị tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa. Vụ Huỳnh Thị Huyền Như- quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương TP. Hồ Chí Minh phải thi hành án hơn 15.000 tỷ đồng, nhưng tài sản kê biên xử lý được lại không quá 500 tỷ đồng. Vụ nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn-Chi nhánh Nam Hà Nội - Phạm Thị Bích Lương, phải chịu bồi thường hơn 1.600 tỷ đồng. Nhưng, theo Tổng cục Thi hành án Dân sự, đến nay mới thu hồi được hơn 100 tỷ đồng.”

Ông TRẦN VĂN DŨNG, Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Hòa Bình: “Các tài sản của các bị can, bị cáo có thể xảy ra ở trên nhiều địa bàn khác nhau, chính vì vậy việc tỷ lệ thu hồi tài sản mặc dù có nhiều cố gắng của Cơ quan thi hành án và cơ quan Trung ương trong việc hướng dẫn, đặc biệt sự phối hợp của các Ban chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự địa phương, thế nhưng rõ ràng chúng ta phải thừa nhận là tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng và kinh tế với một số vụ án lớn thời gian qua là có hạn chế và chưa đạt mong muốn.”

Ông VŨ HỒNG DƯƠNG, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự Hà Nội: “Đối với những vụ án mà  do Trung ương chỉ đạo, những vụ án tham nhũng cho Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi thì có 1 cái thuận lợi cho cơ quan THA là rất nhiều tài sản phạm tội được kê biên ngay từ khi điều tra, nhưng số tiền thất thoát phải thu hồi theo bản án rất lớn, có vụ lên đến hàng nghìn tỷ. Số tài sản mà cơ quan điều tra kê biên chỉ đáp ứng được 1 phần rất nhỏ khi thu hồi thôi.”

Kết quả thu hồi tài sản các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, Từ năm 2013 đến hết tháng 2 năm 2022:  

Tổng số phải thi hành: 105 vụ việc. 

Đã thi hành xong 45 vụ việc

60 vụ đang tiếp tục tổ chức thi hành

Tổng số tiền phải thi hành án tính đến ngày 28.2.2022 của 105 vụ việc là: Hơn 116.923 tỷ đồng

Đã thi hành xong: 31.474 tỷ đồng

Tổng số tiền còn phải thi hành: 85.450 tỷ đồng

Ông HOÀNG THẾ ANH, Giám đốc Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu Tổng cục Thi hành án Dân sự: “Nguyên nhân chủ quan là do các cơ quan chức năng chủ yếu mới chỉ tập trung vào xử lý tội phạm mà chưa tập trung vào thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát. Còn về nguyên nhân khách quan, do quy định của pháp luật về sở hữu, về đăng ký, về giao dịch tài sản...có rất nhiều sự chồng chéo, phức tạp, vướng mắc, thiếu công khai, thiếu minh bạch dẫn đến việc tài sản tham nhũng, thất thoát bị che giấu, rất khó phát hiện để xử lý và thu hồi.” 

Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa qua, Quốc hội đã thảo luận về tính đứt khúc, mất thời gian mà bên ủy thác và bên thực hiện ủy thác đang thực hiện theo Luật Thi hành án Dân sự hiện hành, dẫn đến khó thu hồi tài sản từ những vụ án tham nhũng, thất thoát lớn đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi. Dự thảo Luật Thi hành án Dân sự (sửa đổi) đã đưa ra phương án, là gắn trách nhiệm cụ thể hơn với Cơ quan Thi hành án Dân sự ủy thác và bên nhận sự ủy thác đó.

Trong quá trình khởi tố-điều tra-truy tố và xét xử, cần phải coi thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát của Nhà nước cũng quan trọng như trừng phạt người phạm tội. Đặc biệt hệ thống pháp luật còn nhiều vấn đề cần xem xét, cần phải sửa đổi để đảm bảo được nguồn gốc và dịch chuyển của tài sản đối với cá nhân và pháp nhân nói chung và đối với người có chức vụ, quyền hạn nói riêng. Cần phải có quy định không công nhận giao dịch và phải truy thu những tài sản giao dịch có dấu hiệu tham nhũng. Xem xét cơ chế miễn giảm hình phạt tù nếu như người phạm tội tích cực bồi thường và khắc phục thiệt hại về tài sản. Điều này hoàn toàn như quy định đối với bồi thường được 3/4 số tiền tham nhũng, thì người đáng lẽ bị tử hình sẽ không bị tử hình nữa.

CỨ NỘP LẠI TIỀN THAM NHŨNG SẼ ĐƯỢC GIẢM ÁN?

Còn nhớ những sai phạm của cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son như chủ mưu, cầm đầu kế hoạch bán AVG và nhận hối lộ với số lượng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Ban đầu là mức án tử hình, nhưng rất may trước khi tòa tuyên án, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã kịp thời nộp lại 66 tỷ đồng (tương đương 3 triệu Đô-la Mỹ), giúp khắc phục hậu quả tội danh Nhận hội lộ để được giảm án xuống mức chung thân.  

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Công ty Luật ANVI, Hà Nội: “Có lẽ là chúng ta phải đi theo cách thức miễn giảm nhưng treo đấy không phải là miễn ngay lập tức mà nộp vào một số tiền nhất định thì tôi sẽ giảm án cho anh nếu tù có thời hạn. Còn đối với tử hình thì treo lại, chưa thi hành án ngay. Bao giờ một thời gian nhất định phải nộp đủ, thậm chí phải thêm cả tiền phạt nếu như bản án có thì lúc ấy mới chính thức giảm án tử hình thì vừa đảm bảo sự công bằng, vừa trình trị vừa khắc phục được hậu quả.”

Các chuyên gia luật pháp đã tranh luận: Nếu cứ thi hành như hiện nay, nghĩa là người bị kết án tử hình cứ vẫn bị tử hình, đồng thời vẫn phải chấp hành khắc phục thiệt hại do bản thân đã gây ra, chắc chắn sẽ không khắc phục được đồng nào. Như vậy, Nhà nước vừa phải thực hiện việc tử hình, lại không thu hồi được số tiền mà người chịu án đã tham ô, tham nhũng. Được giảm án từ tử hình xuống chung thân nếu khắc phục tốt hậu quả, cũng là một giải pháp.    

Ông HOÀNG THẾ ANH, Giám đốc Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng CNTT, Tổng cục Thi hành án Dân sự: “Thêm nữa, Luật thi hành án Dân sự như hiện nay là xử lý xong các tài sản ở địa bàn cơ quan thi hành án thụ lý ban đầu, mới được tiếp tục xử lý tài sản ở địa bàn khác thông qua hình thức ủy thác thực hiện. Thực chất, cơ chế ủy thác hiện hành có tính chất cắt khúc, vì Cơ quan ủy thác không tiếp tục theo dõi quá trình và kết quả ủy thác sau này. Còn cơ quan nhận ủy thác cũng không có nghĩa vụ báo cáo kết quả cho cơ quan đã ủy thác, nên không rõ đầu mối trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án, nhất là theo dõi quá trình thi hành án đến khi kết thúc.”

Dự thảo Luật Thi hành án Dân sự (sửa đổi) đang nhận được góp ý về cơ chế này.

Bà TRẦN THỊ PHƯƠNG HOA, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án Dân sự, Bộ Tư pháp: “Cùng một thời điểm có thể xử lý tài sản ở nhiều địa phương khác nhau và nhiều tài sản khác nhau, như thế rõ rang sẽ đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản và cũng làm hạn chế việc các tài sản xuống cấp hoặc là thất thoát, bị lấn chiếm đối với đất đai chẳng hạn.”

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Công ty Luật ANVI, Hà Nội: “Đầu tiên chúng ta phải hình dung đặt trách nhiệm những cơ quan nhận ủy thác cũng là một phần việc chức năng nhiệm vụ chính. Thứ 2 là phải quy định rất rõ quy trình, thời hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhận ủy thác. Còn bây giờ nó có vướng thế này: Bản thân cơ quan thi hành án cũng không có quy định rõ về thời hạn mà gần như làm đến đâu, tháo gỡ đến đâu, giải quyết đến đâu thì báo cáo triển khai đến đấy.”

Dự thảo Luật Thi hành án Dân sự (sửa đổi), thực chất là cho phép cơ quan thi hành án dân sự nơi thụ lý ban đầu tránh thu quá nghĩa vụ phải thực hiện, chủ động xử lý tài sản trên địa bàn, vừa ủy thác luôn cho các cơ quan thi hành án dân sự nơi khác thi hành.  

Đáng ngạc nhiên là sau thời gian dài thực hiện, bây giờ mới nhận ra cái bất hợp lý ở cơ chế ủy thác thi hành án tài sản tham nhũng, hay Quy định về sở hữu, đăng ký, giao dịch tài sản có sự chồng chéo, thiếu công khai dẫn đến khó phát hiện tài sản tham nhũng để thu hồi.  Nếu như trước kia chỉ thu hồi được 5% hay 7%, thì hiện nay đã thu hồi được gần 70%. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 30% tài sản tham nhũng, thất thoát không thu hồi được, cũng từ những bất hợp lý này. 

Thu hồi tài sản các vụ án kinh tế, tham nhũng, có tính chất liên ngành. Khâu thi hành án dân sự là khâu cuối cùng, nên hiệu quả phụ thuộc nhiều vào công tác truy tìm, phong tỏa, kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, thậm chí là từ khâu thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Thiếu một khâu nào cũng đều ảnh hưởng đến kết quả thu hồi.

Bởi vậy, ngoài việc sửa đổi về cơ chế, pháp luật, cần phối hợp, bàn bạc giữa các cơ quan từ khâu xây dựng kế hoạch đến quá trình tổ chức thực hiện sao cho nhịp nhàng, hiệu quả, không chồng chéo nhiệm vụ. 

KHÔNG ĐỤNG ĐƯỢC VÀO TÀI SẢN BẤT MINH

Cả giai đoạn 2013-2020, thu hồi tài sản tham nhũng mới đạt 32%. Nếu như trước kia chỉ thu hồi được 5% hay 7%, thì hiện nay đã thu hồi được gần 70%. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 30% tài sản tham nhũng, thất thoát không thu hồi được.  

Một trong những điểm nghẽn, là do cơ chế ủy thác xử lý tài sản trong Luật Thi hành án dân sự hiện nay bắt buộc phải thực hiện thi hành án xong tại một địa phương, mới được phép ủy thác cho địa phương khác. Chẳng hạn một vụ việc mất khoảng 6 tháng để xử lý thì theo cơ chế cũ, một vụ án với 5 vụ việc phải xử lý tài sản, sẽ kéo dài tới 3 năm. Luật sửa đổi lần này bổ sung cơ chế mới cho phép đồng thời xử lý tài sản tại cả 5 địa phương. Cơ chế giảm án khi khắc phục 3/4 tiền tham nhũng mà có. Cơ chế ủy thác xử lý tài sản cùng lúc khi các tài sản bị kê biên, phong tỏa trong vụ án ở nhiều địa phương khác nhau, được kỳ vọng sẽ khắc phục “điểm nghẽn” thu hồi tài sản tham nhũng.     

Ngọc Dũng