Bộ Công an vừa hoàn thành bản Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và đưa ra lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc xây dựng dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) nhằm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.
Ngoài ra, trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các thông tin đã được tích hợp, sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin để phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Điểm mới đáng chú ý của dự thảo luật là quy định: Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên, trình tự, thủ tục cấp cơ bản không thay đổi và bắt buộc cấp căn cước công dân (CCCD); đối với công dân là trẻ em dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh, thực hiện cấp thẻ căn cước đồng thời khi đăng ký khai sinh. Trường hợp công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước làm thủ tục cấp thẻ. Những chính sách này sẽ giúp bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ CCCD trong hoạt động của Chính phủ số và xã hội số.
Anh Nguyễn Quốc Cường đến bộ phận “một cửa” của phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm thực hiện việc khai sinh cho con. Tại đây, anh được cán bộ phường hướng dẫn kê khai các thủ tục online. Anh cũng được biết, hiện nay việc làm giấy khai sinh cho con sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Một lần đi có thể giải quyết được 3 thủ tục hành chính và được cấp luôn cả mã định danh cá nhân. Khi được hỏi về đề xuất cấp CCCD cho trẻ gắn với giấy khai sinh, anh rất ủng hộ.
Anh NGUYỄN QUỐC CƯỜNG - Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội: "Sớm muộn gì em bé cũng phải được cấp căn cước công dân. Việc làm sớm này sẽ thuận tiện cho quá trình phát triển của cháu".
Những bậc làm cha mẹ như anh Cường hay chị Đỗ Hà My đều rất ủng hộ những chính sách thuậntiện, giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, chị My vẫn có chút băn khoăn về chính sách này.
Chị ĐỖ HÀ MY - Quận Hà Đông, thành phố Hà Nội: "Tôi thấy, việc cung cấp CCCD cho trẻ dưới 6 tuổi khá là hay, nếu được cung cấp luôn thì rất là tốt và gia đình rất ủng hộ việc này. Tuy nhiên, tôi cũng có một số thắc mắc như việc này diễn ra bao lâu? Bao lâu phải đổi? Có dễ dàng không? Chi phí như thế nào?...".
Theo các chuyên gia, việc cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 6 tuổi là cần thiết và điều này sẽ tạo điều kiện thuận tiện để mỗi người có thể thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình, người giám hộ có điều kiện thực hiện quản lý trong gia đình, đồng thời cũng giúp mỗi người theo dõi lịch sử của bản thân ngay từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành.
TS LƯU BÌNH NHƯỠNG - Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: "Trước đây, chúng ta chỉ quản lý công dân từ khi công dân đủ độ tuổi - 14 tuổi trở lên - để chúng ta cấp căn cước, giai đoạn nhỏ hơn - dưới 6 tuổi - chúng ta để trống. Bây giờ, chúng ta bổ sung việc cấp căn cước họ. Đây là bước ban đầu và rất quan trọng. Sau này, nếu chúng ta tiến lên một bước nữa - sử dụng công nghệ hiện đại như bây giờ, ví dụ công nghệ blockchain trên để chúng ta quản lý công dân, quản lý con người - thì đấy cũng là một trong những cơ sở để chúng ta có thể đưa vào cơ sở dữ liệu. Ngay từ ban đầu chúng ta đã quản lý thì nó chặt chẽ hơn rất nhiều so với việc sử dụng giấy khai sinh hoặc là sử dụng các giấy tờ bản sao, các giấy khai sinh khác.