• 9200 lượt xem
  • 18:58 22/05/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Công an xã được cấp đăng ký xe gắn máy - Giảm tải công việc cho Công an quận

Theo Thông tư 15 mới được Bộ Công an ban hành, từ ngày 21/5/2022, Công an xã, phường, thị trấn một số địa phương (gọi chung là Công an xã), được phân cấp để đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) cho cá nhân, tổ chức. Để Công an xã có thẩm quyền này, địa phương đó phải 3 năm liền kề gần nhất, mỗi năm có số lượng đăng ký mới từ 250 xe mô tô, xe gắn máy.

NGÀY ĐẦU TIÊN CÔNG AN XÃ CẤP ĐĂNG KÝ XE GẮN MÁY

Sáng đầu tiên thực hiện Thông tư 15 tại Công an xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Những biển báo chỉ dẫn cho người dân đến làm thủ tục đăng ký xe gắn máy, được cán bộ chiến sỹ treo ở nơi dễ nhìn thấy nhất.

Người dân địa phương đến Công an xã làm thủ tục đăng ký xe gắn máy, cũng nhanh chóng nắm bắt những điểm mới của Thông tư 15, do công tác truyền thông từ sớm.

Chị NGUYỄN THỊ THU NGUYỆT, Xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội: “Nội dung hôm nay thì khá thuận lợi vì tôi sinh sống tại địa bàn. Trước kia mỗi lần đi là phải lên tận trên huyện rất mất việc và thời gian cũng như là xa. Cán bộ chiến sỹ công an xã Mê Linh hướng dẫn tận tình, chu đáo”.

Trước đó, dù thời gian triển khai Thông tư 15 rất gấp, nhưng Công an huyện Mê Linh đã tổ chức cho Công an các xã được phân cấp đăng ký xe gắn máy tập huấn các lớp nghiệp vụ, chuẩn bị trang thiết bị phục vụ từ hệ thống máy tính cho đến con dấu, tài liệu liên quan để tránh lúng túng, bị động.

Trung tá PHAN TRỌNG HUỆ, Trưởng Công an xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội: Đề nghị các đồng chí lãnh đạo các cấp quan tâm chỉ đạo kết nối dữ liệu giữa các ban ngành được liên thông để thuận lợi cho người dân. Từ việc thuận lợi ấy, người dân sẽ thấy được lợi ích để thực hiện đúng các quy định”.

Tại xã Thanh Lâm, do là thứ 7 nên không nhiều người dân đến làm thủ tục đăng ký xe gắn máy đúng ngày Thông tư 15 có hiệu lực. Một số người lần đầu đến Công an phường đăng ký biển số xe, tỏ ra vui mừng khi từ nay không cần phải lên Công an huyện nữa.

Anh NGUYỄN TIẾN SƠN, Xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội: “Khi mà làm đăng ký ở gần thì các làng đều ở quanh đây, còn địa bàn xã tập trung ở giữa nên rất thuận lợi. Những người có tuổi, người già có thể đi đăng ký thay con, thay cháu được và đây là điều cực kỳ thuận lợi”.

Nhưng muốn thực hiện tốt Thông tư 15 để tạo thuận lợi cho người dân, các   điểm đăng ký xe gắn của Công an xã cần đảm bảo được diện tích, không gian, trang thiết bị, hạ tầng mạng. Do lịch sử để lại, hầu hết trụ sở công an xã ở huyện Mê Linh đang phải dùng chung với Ủy ban Nhân dân huyện. Thậm chí, một phòng phải chia sẻ cho bộ phận Đăng ký Căn cước công dân và bộ phận Đăng ký xe gắn máy.

Thiếu tá NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Trưởng Công an xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội: “Do trụ sở của Công an xã đang ghép với trụ sở Ủy ban nên cũng khó khăn. Rất mong cấp trên quan tâm tạo điều kiện có trụ sở riêng để đáp ứng việc giao dịch với người dân được thuận tiện hơn trong thời gian tới”

Nhà cách xa 15km, nhưng chị Trần Khánh Linh hôm nay vẫn lên Công an huyện để làm thủ tục đăng ký cho chiếc SH mới mua, mặc dù đã biết thông tin Công an xã bắt đầu được cấp biển số xe máy. Đó là do thứ 7, ngành thuế nghỉ làm việc, nên đường truyền không kịp tích hợp vào đường truyền của Công an xã.

Chị TRẦN KHÁNH LINH, Xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội: “Ở trên huyện thì gần với cơ quan nộp thuế và được các anh ấy hỗ trợ thủ tục rất nhanh gọn. Còn làm ở xã thì do vẫn chưa tích hợp được với thuế trước bạ nên em vẫn lên trên này làm thủ tục thuế và về xã làm thủ tục hồ sơ để đăng ký xe”

Một chủ trương tốt nhưng để thực hiện hiệu quả, cần phải đồng bộ nhiều bên. Ngày đầu tiên Công an xã triển khai cấp đăng ký xe gắn máy lại đúng vào ngày nghỉ, các ngành khác như thuế không làm việc, ít nhiều tác động đến công việc. Còn với công an huyện, tuy giảm được áp lực đăng ký xe gắn máy, nhưng lại được phân cấp việc đăng ký xe ô tô. Tuy vậy, người dân địa phương lại được hưởng lợi

Anh NGUYỄN VĂN TOẢN, Xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội: Hôm nay ngày đầu tiên chúng tôi là người dân của huyện Mê Linh được Công an huyện cấp đăng ký ô tô thì rất tốt, đỡ phải lên thành phố vừa tắc đường, vừa xa xôi đi lại”

Thượng tá TRẦN THANH TÙNG, Phó Trưởng Công an huyện Mê Linh, Hà Nội: "Bên cạnh việc chúng tôi phân công cán bộ chiến sỹ tham gia vào lớp tập huấn của Bộ Công an và của Công an thành phố tổ chức thì chúng tôi cũng tổ chức tập huấn riêng cho lực lượng này theo phương án "dắt tay chỉ việc" để nhằm trang bị tốt nhất với nhận thức, kỹ năng và kiến thức để khi thực hiện nhiệm vụ có thể được ngay và đến giờ phút này có thể khẳng định là công tác chuẩn bị đã hoàn thành và sẵn sàng phục vụ tốt nhất đến người dân"

Khi khối lượng công việc của cán bộ công an giảm tải, giảm áp lực thì việc xử lý hồ sơ cũng nhanh hơn. Và người dân có thể đăng ký, lấy biển số sớm hơn. Mục tiêu là như vậy, nhưng các điều kiện kèm theo cũng phải đáp ứng yêu cầu thực tế

Thượng tá TRẦN THANH TÙNG, Phó Trưởng Công an huyện Mê Linh, Hà Nội: Chúng tôi mong muốn và đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm. Thứ nhất là tăng cường công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ và phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an. Thứ 2 là cùng phối hợp với lực lượng công an chúng tôi để hỗ trợ về cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo để lực lượng công an có thể hoàn thành tót nhiệm vụ của mình” 

Dẫu còn một số điều chỉnh từ đường truyền phối hợp của ngành thuế hay cơ sở hạ tầng cho lực lượng công an xã, nhưng từ hôm nay, nhiều người dân không còn phải di chuyển quãng đường dài hàng chục, thậm chí vài chục km để đến trung tâm huyện đăng ký, bấm biển số xe nữa.

Tuy nhiên, đây là việc mới. Phải có thời gian tập sự, hay nói nôm na là phải chạy "rôt-đa" thì mới trơn tru, thuần thục. Sự bỡ ngỡ với công việc mới phát sinh đối với Công an xã, hay việc đăng ký biển số xe máy từ ngày 21.5.2022 lại diễn ra tại Công an xã cũng bỡ ngỡ với người dân xưa nay vốn quên lên huyện-lên tỉnh làm thủ tục...chắc chắn là có.

Thực tế, không phải tất cả Công an xã-phường-thị trấn đều thực hiện việc cấp đăng ký xe máy từ ngày 21.5.2022. Khoảng cách địa lý giữa phường và quận không lớn, cùng với đó là hướng dẫn của ...là những lý do Công an phường tại Hà Nội, chưa phải thực hiện cấp đăng ký xe gắn máy,

GIẢM TẢI CÔNG VIỆC VỚI CÔNG AN QUẬN

Trước giờ G ngày 21/5 chỉ một ngày, mẹ con chị Yến đến Đội Cảnh sát Giáo thông-Trật tự, Công an quận Ba Đình, làm thủ tục đăng ký biển số xe gắn máy.

Sau khi đã nộp lệ phí trước bạ, quy trình thủ tục cấp biển số xe cũng nhanh gọn. Cứ xong khâu này là được hướng dẫn sang khâu khác ngay, mặc dù đến 9h30 đã có tới 50 người dân đến làm thủ tục. 

Tuy không cần phải đăng ký dịch vụ công trực tuyến, nhưng chỉ sau hơn 10 phút, mẹ con chị Yến đã nhận được biển số xe để ra về.

Chị TRẦN THỊ HẢI YẾN, Phố Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội: “Hôm nay địa chỉ của em cũng xa tận Tố Hữu nhưng lên đây đăng ký cho con theo đúng hộ khẩu. Thấy thủ tục rất đơn giản, nhanh gọn không cầu kỳ lắm và có cái để phải gây cho mình khó chịu cả.”

Theo quy định, thời hạn giải quyết: chủ xe sẽ được cấp biển số ngay sau khi bấm và sau không quá 2 ngày làm việc. Thực tế trong buổi sáng sát ngày 21.5, chỉ sau khoảng 10-15 phút kể từ lúc nộp hồ sơ, người dân đã nhận được biển số xe gắn máy từ Đội Cảnh sát Giáo thông-Trật tự của Công an quận.

Anh HOÀNG HỮU HƯNG, Phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội: Từ lúc nhận hồ sơ thì en thấy cũng nhanh, liền một mạch. So với trước đây thì nhanh hơn, không phải đợi chờ nữa...  ”

Công an giải quyết hồ sơ: Trung bình một ngày, Công an quận Ba Đình làm thủ đăng ký khoảng 40-60 bộ hồ sơ xe gắn máy, tương đương hơn 700 bộ hồ sơ mỗi tháng. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực, cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc. Tuy vậy, vẫn khuyến khích người dân kê khai hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia, để giảm tải áp lực.

Thiếu tá NGÔ TUẤN ANH, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giáo thông-Trật tư, Công an quận Ba Đình: “Việc người dân khai thông tin trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của Bộ Công an cũng như Cổng Dịch vụ công quốc gia thì giảm tải được trực tiếp đến đăng ký của người dân. Người dân chỉ việc khai các nội dung thông tin trên các tờ khai đăng ký trên Cổng dịch vụ công, sau đó cung cấp mã số hồ sơ và đến cơ quan đăng ký sẽ in ra và hướng dẫn làm thủ tục sẽ rất thuận lợi”. 

Từ ngày 21/5/2022, người dân có thể đến Công an xã, phường để thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện)... mà không cần phải lên Công an tỉnh và huyện nữa. 

Chị TRẦN THỊ HẢI YẾN, Phố Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội: “Ô, thế thì tiện lợi cho người dân quá, đỡ phải cái thứ 1 là đi lại xa và tìm đường. Nhiều khi những người không biết với lại thủ tục không rành lắm thì sẽ mất thời gian nhiều. Những người đi làm như bọn em phải xin nghỉ cả ngày 

Ông BÙI DANH LIÊN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Hiện nay quản lý thân nhân, quản lý con người không phải bằng hộ khẩu mà bằng chứng minh thư có đầy đủ các thông số trên đó và phường-xã bao giờ cũng cấp chứng minh thư cho người dân. Khi cấp biển xe máy này có thể nắm được đối tượng quản lý chủ xe này thì đấy cũng là một cái thuận lợi.”

Khi Thông tư 15 của Bộ Công an có hiệu lực, người dân chỉ cần tới Công an xã và cũng không mất nhiều thời gian chờ đợi so với lên Công an huyện và tỉnh, tiết kiệm được cả thời gian và tiền bạc. Cán bộ Công an cũng bớt áp lực.

Thiếu tá NGÔ TUẤN ANH, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giáo thông-Trật tư, Công an quận Ba Đình: Từ Công an cấp xã đến địa điểm đăng ký của Công an cấp huyện có những nơi đến 50-60km. Người dân đi lại sẽ rất vất vả. Việc phân cấp đến tận CA cấp xã là rất thuận lợi cho người dân. Họ có thể đến ngay cấp xã để đăng ký phương tiện cũng như tổ chức thu hồi biển số phương tiện giao thông”

Tại Hà Nội, Công an cấp xã một số nơi sẽ triển khai Thông tư 15 này. Một trong những lý do là khoảng cách địa lý khá gần giữa Công an phường với Công an quận. Chẳng hạn như Công an phường Cống Vị liền kề ngay với đơn vị thuộc Công an quận Ba Đình vốn đang cấp đăng ký xe gắn máy. Hơn nữa, nhân lực và cơ sở vật chất cũng chưa chuẩn bị kịp. 

Chỉ sửa đổi một vài điều-khoản trong Thông tư 58 về phân cấp, phân quyền cho Công an xã được quản lý và cấp đăng ký xe gắn máy, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và cho chính cán bộ-công chức ngành công an, ngay lập tức được dư luận xã hội ghi nhận. Đây cũng là tất yếu để thực hiện cắt giảm những thủ tục hành chính không hợp lý, cũng như đảy mạnh phần cấp-phân quyền.  
Tuy nhiên, để làm tốt được nội dung này, cơ quan chức năng phải tổ chức tập huấn thật tốt cho cán bộ, làm sao để người dân đến đăng ký xe máy không cảm thấy phiền hà. Đặc biệt, nên có các quy định, quy trách nhiệm cụ thể đối với công an xã, phường trong việc đăng ký, cấp biển số xe máy, để tránh tiêu cực. Quy trình phải chặt chẽ, làm sao không để xuất hiện các dịch vụ đối với việc phân cấp đăng ký này, mới tạo được sự công bằng. 

 NGĂN CHẶN TIÊU CỰC NGAY TỪ ĐẦU

Đại tá ĐỖ THANH BÌNH, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát Giao thông, Bộ Công an:Có sự liên thông giữa Cổng dịch vụ công của Bộ Công an với Cổng dịch vụ công Quốc gia với phần mềm của lực lượng cảnh sát Giao thông. Thứ 2 là phần mềm của Công an cấp xã đã kết nối với phần mềm của Cục cảnh sát Giao thông thông suốt trong phạm vi toàn quốc và bây giờ chúng tôi đang rà soát lại mọi tài khoản, từng hoạt động nghiệp vụ khác để làm sao nâng cao hiệu quả quản lý tất cả các phương tiện gắn với chủ sở hữu một cách nhanh chóng và thuận lợi. Người dân sẽ dễ dàng kết nối và chia sẻ dữ liệu đảm bảo phương tiện được quản lý và sử dụng đúng mục đích”

 Xin nhắc lại là Thông tư 15/2022 của Bộ Công an quy định, để Công an xã được trao quyền đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) cho cá nhân, tổ chức thì địa phương đó phải đáp ứng đủ điều kiện nhất định. Đó là, trong 3 năm liền kề gần nhất, phải có số lượng đăng ký mới từ 250 xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trở lên trong mỗi năm. Chỉ khi đáp ứng được điều kiện này, Công an xã ở địa phương đó mới được thực hiện đăng ký và cấp biển số xe gắn máy.

Nghĩa là không phải tất cả Công an các xã-phường-thị trấn tại 63 tỉnh-thành phố hiện nay, đều được phân cấp-phân quyền này. Vì nếu khoảng cách giữa xã-phường với quận-huyện chỉ một vài km, lại cùng được quyền cấp đăng ký xe gắn máy, sẽ gây lãng phí nếu cả ngày chỉ có vài người dân đến làm thủ tục. Ở các địa phương vùng xa khó khăn, có thể gộp chung các xã gần nhau, để tiết kiệm chi phí. Người dân cần phải nắm chắc thông tin, để không thắc mắc.