• 1000 lượt xem
  • 22:16 14/07/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Công bố, công khai thông tin quy hoạch để ngăn ngừa sai phạm

Theo kết quả phân tích số liệu điều tra của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, chỉ số sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở có điểm đánh giá rất thấp. Kết quả khảo sát cho thấy, còn quá ít người dân biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi mình cư trú, năm cao nhất chỉ có 20% số người được hỏi biết đến thông tin này.

Tỷ lệ số người được khảo sát cho biết đã có dịp tham gia góp ý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi họ cư trú cũng còn quá thấp, năm cao nhất cũng chỉ có 7%. Điều này cho thấy quy định việc lấy ý kiến của người dân về quy hoạch chưa được thực hiện hiệu quả. Vậy cần công bố, công khai thông tin quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn như thế nào? 

Có lẽ từ thực tế ở Thủ đô Hà Nội sẽ cho chúng ta câu trả lời. 

“BĂM NÁT” QUY HOẠCH, TRÁCH NHIỆM DO AI

7h sáng, mật độ tham gia giao thông tại tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu tăng mạnh gây nên tình trạng ùn tắc cục bộ. Nhiều người phải chọn lối tắt đi ngược chiều, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Bà VŨ THỊ KIM DUNG, Phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội: “Đường Lê Văn Lương hay cả chỗ Tố Hữu này xây nhiều đô thị, cao tầng quá, mật độ dân số quá đông, thường xuyên đi lại tắc đường, đi lại khó khăn.”

Đối với người làm việc tại các công ty nằm trên trục đường này thường xuyên bị ám ảnh bởi nạn tắc đường. Nhiều đơn vị phải điều chỉnh giờ làm cho phù hợp với tình trạng tắc đường.

Ông ĐOÀN PHƯỚC, Huyện Thanh Oai, TP Hà Nội: “Một số chung cư, cơ sở hạ tầng, đang xây dựng nên chắn hết làn đường. Có 3 làn thì chắn hết 2 làn nên tắc tương đối là lâu”.

Theo người tham gia giao thông, việc thiết kế ít đường ngang dân sinh khiến lưu lượng bị ùn ứ vào 1chỗ, thoát chậm. Trong khi đó, hầm cầu chui tại nút giao Khuất Duy Tiến - Tố Hữu trị giá 700 tỷ đồng vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Chị VŨ THỊ THANH HẰNG, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội: “Nếu thông đường này có thể chưa giải quyết được dứt điểm (tình trạng tắc đường -PV). Trục này ít đường rẽ ngang, thông được đường này chưa chắc đã xử lý được, đường ngang rất đông đi lại, đi sang ngang thì rất ít giải tỏa được, cần quy hoạch đồng bộ.”

THIẾU HỤT HẠ TẦNG XÃ HỘI

Không chỉ là điểm nóng về giao thông, quy hoạch trên tuyến đường Lê Văn Lương còn cho thấy những bất cập khi thiếu hụt nghiêm trọng hạ tầng xã hội, khi mà các chung cư mọc lên san sát nhau nhưng không đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng …đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân sinh sống tại khu vực này nói riêng và bức tranh “nham nhở” về phát triển đô thị của Thủ đô nói chung.

Chật vật tìm chỗ đi học và khu vui chơi công cộng là thực trạng nhiều năm nay tại tuyến đường Tố Hữu. Nhiều người dân cho biết quỹ đất dành cho dự án nhiều hơn là giành quỹ đất phát triển hạ tầng xã hội.

Anh NGUYỄN VĂN AN, Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội: “Qua ở đây nhiều năm tôi thấy ở trục đường này ít trường học. Chủ yếu toàn chung cư, mà toàn chung cư to. Ở đây còn nhiều đất nhưng giao cho làm dự án nhà ở rồi.”

Trong khi đó, 4 ô quy hoạch công cộng thành phố, công viên cây xanh chưa được quan tâm đầu tư gồm: Khu văn hóa thể thao và du lịch Nam Từ Liêm do Công ty CPĐT Văn Phú – ITC làm chủ đầu tư; Công viên hồ điều hòa Trung văn giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ và Công ty Đầu tư Văn Phú - Invest làm chủ đầu tư; Diện tích cây xanh thuộc dự án Khu đô thị Phùng Khoang do Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư. Tiện ích xã hội chưa có, nhưng phần dự án thương mại đã được chủ đầu tư thực hiện.

Chị NGHIÊM LINH GIANG, Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội: “Ở đây có khu công viên, 5 - 6 năm chưa thấy làm. Quây tôn hết đấy. Nhiều khi cũng muốn tìm chỗ hít thở không khí trong lành chứ ở Hà Nội thì ô nhiễm.”

Đồ án Quy hoạch chi tiết hai bên đường Tố Hữu phê duyệt năm 2016 có quy mô diện tích gần 955 nghìn m2 đã có nhiều vi phạm. Theo đó, không bố trí trạm Y tế, sân luyện tập, chợ theo quy mô dân số gần 30 nghìn người. Thiếu gần 42 nghìn m2 cho đất giáo dục; nhiều dự án bố trí thiếu hoặc không bố trí diện tích cây xanh.

Anh NGHIÊM VĂN VÕ, Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội: “Cả một tuyến đường dài như vậy sẽ được làm quy hoạch rất chặt chẽ. Theo thông tin tôi biết, tuyến đường này thiếu tới hàng trăm nghìn mét vuông cho trường học, trạm xá, cây xanh. Vấn đề quy hoạch có vấn đề rất nghiêm trọng. Tôi nghĩ rằng, các cơ quan cần làm rõ vấn đề này.”

LẠM DỤNG ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH

Liên tục điều chỉnh quy hoạch, liên tục nâng vượt tầng cho các dự án, tăng cao mật độ dân số; thậm chí có những điều chỉnh quy hoạch sai quy định pháp luật.. là những sai phạm đã được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra. 

Có thể dẫn chứng một số ví dụ điển hình như Dự án trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà trẻ và nhà ở để bán do Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội làm chủ đầu tư đã được điều chỉnh từ 15 tầng thành 32 tầng, mật độ dân số tăng hơn 1000 người. Diện tích đất sân vườn, cây xanh được chủ đầu tư tự ý thay thế thành trung tâm thương mại.

Hay như Dự án dịch vụ thương mại, công cộng nhà ở và nhà trẻ do Công ty cổ phần dịch và kinh doanh bất động sản Hà Nội làm chủ đầu tư được điều chỉnh quy hoạch tới 5 lần, nâng từ 18,5 tầng lên 35 tầng, tăng thêm dân số gần 3100 người. 

Theo tính toán sơ bộ, tại tuyến đường Lê Văn Lương có 15 dự án, UBND TP Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch tới 45 lần. Chúng ta cùng tham khảo một số ý kiến về vấn đề này.

Ông ĐẶNG HÙNG VÕ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Tỷ lệ, diện tích phát triển không gian ở là chỉ có tỷ lệ nhất định so với diện tích phát triển hạ tầng, tất cả điều đó được quy định cụ thể trong các quy chuẩn về quy hoạch. Trên thực tế, các nhà đầu tư muốn theo một cái cách thức tìm kiếm lợi ích, làm sao diện tích và hạng mục hạ tầng rút đi càng nhiều càng tốt, tức là họ giảm tiền đầu tư.”

Ông NGUYỄN THẾ ĐIỆP, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội: “Về lợi ích nhóm thì không thể nói là không có nhưng không thể đánh giá toàn diện là có tiêu cực trong đó. Đây là điều tiết hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và doanh nghiệp là có thật”

Ông HÀ PHƯỚC THẮNG, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh: “Khi lập quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị về đất ở có khái niệm phân loại gồm đất ở hiện hữu, đất ở hiện hữu chỉnh trang, đất ở hiện hữu cải tạo, đất ở hiện hữu kết hợp xây dựng mới, đất ở liên kề hoặc biệt thự, đất ở kết hợp thương mại dịch vụ, đất ở xây dựng mới thấp tầng hoặc cao tầng, đất ở đô thị dự kiến xây dựng mới, đất ở hỗn hợp. Trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chỉ tiêu các phân loại đất không đồng bộ. Trong quy hoạch đô thị có chỉ tiêu đất công viên cây xanh, như quy hoạch sử dụng đất gộp đất công viên cây xanh vào đất khu vui chơi, giải trí công cộng. Trong quy hoạch đô thị có nhóm đất hỗn hợp nhưng quy hoạch sử dụng đất lại không có.”

“NGẦM” CÔNG KHAI QUY HOẠCH

Kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ rõ đã có hành vi vi phạm Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/01/2015 về việc không bố trí các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị. Có nhiều lý do khiến bức tranh phát triển đô thị của Thủ đô thiếu khuyết những mảng màu thiết yếu nhưng có một nguyên nhân đã được chỉ ra, đó là quy trình xin ý kiến, công khai quy hoạch để có cái nhìn tổng quát về kiến trúc hạ tầng chưa được thực hiện đầy đủ. 

Không công bố, công khai đồ án được duyệt, công bố quy hoạch chi tiết chậm được nhắc tới nhiều lần trong kết luận. Trong đó, có thể kể đến việc công bố, công khai không đúng quy định về hình thức và nội dung; không trưng bày thường xuyên, liên tục bản vẽ tại khu vực lập quy hoạch; không thông tin rộng rãi. Đặc biệt không công bố công khai quy định quản lý, dẫn tới việc mập mờ trong xử lý nếu có vi phạm.

Ông TRẦN HUY ÁNH, Ủy viên thường vụ BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội: “Công khai thông tin là rất quan trọng, việc thông tin đó được thể hiện thế nào cũng rất quan trọng. Chỉ qua thông tin đại chúng thì người dân, các cấp quản lý mới biết. Nhìn trên giấy tờ thì rất đúng quy trình. Người ta bỏ đi khâu nào đó thì nó thành mù mờ. Do đó, công khai thông tin, trình bày thông tin mà cần che mắt thì cũng không khó. Hệ thống giám sát vô cùng yếu.”

Theo quy định tại điều 53 Luật Quy hoạch đô thị 2009, đồ án quy hoạch đô thị kể từ ngày phê duyệt phải được công bố trong thời hạn 30 ngày. Tuy nhiên, có những dự án công bố chậm tới 150 ngày là điều cần phải xem xét.

Bà HOÀNG THỊ THANH THÚY, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: “Mặc dù có quy hoạch rồi nhưng vi phạm quy hoạch thì cũng rất lớn và việc chúng ta hiện nay phải xử lý khắc phục những vi phạm lại phải bỏ ra nguồn lực rất lớn, lớn hơn cả từ ban đầu. Do đó, những vi phạm ở Hà Nội tôi cho rằng phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn đó.”

Dư luận cũng đặt ra nhiều nghi vấn có hay không vấn đề lợi ích nhóm trong việc liên tục điều chỉnh quy hoạch, không công khai đồ án quy hoạch. Thực tế, thông tin nếu không được minh bạch sẽ dễ xảy ra tham nhũng.

Trong thực tế, việc công khai thông tin quy hoạch đóng vai trò nền tảng để thực hiện các bước tiếp theo. Việc thông tin mù mờ sẽ khiến quy hoạch trở nên méo mó và là thời cơ vàng để tiếp tay cho sai phạm. Vì vậy trên diễn đàn Quốc hội, đã có nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện tốt việc công bố, công khai, lấy ý kiến về quy hoạch để có thể ngăn ngừa sai phạm.

Bà TRỊNH THỊ TÚ ANH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: "Aprodixio đã từng nói "Bản quy hoạch tốt nhất là bản quy hoạch thể hiện được sự mong muốn của người dân". Một bản quy hoạch có tính linh hoạt, đáp ứng những yêu cầu mà người dân cho là cần thiết để việc thực hiện lấy ý kiến của người dân được tốt hơn. Chính quyền các cấp, đội ngũ công chức cần thật sự coi phục vụ người dân là mục tiêu chính trong hoạt động của mình. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lập quy hoạch không chỉ làm đúng theo đúng quy định của pháp luật về công bố thông tin, lấy ý kiến người dân mà còn tùy thuộc vào tình hình, đặc điểm, phân bố dân cư để có biện pháp đưa thông tin đến người dân một cách phù hợp nhất. Cùng một nội dung nhưng cần có kế hoạch tổ chức thông tin, lấy ý kiến người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng nhóm dân cư. Việc nghiên cứu phương pháp có sự tham gia của cộng đồng vào công tác quy hoạch là rất cần thiết, góp phần phát triển xã hội theo hướng công bằng, dân chủ và bền vững."

Ông LÊ THANH HOÀN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá: “Theo phản ánh của cử tri thì những gì dân muốn biết, dân cần thực sự rất khó để có thể tiếp cận. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện việc công bố công khai thông tin lại chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa thấy có báo cáo số liệu về xử lý kỷ luật hay xử lý trách nhiệm trong trường hợp không công bố thông tin quy hoạch. Do đó, đề nghị Quốc hội trong dự thảo nghị quyết giám sát Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm, hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.”

Ông THẠCH PHƯỚC BÌNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: “Để nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến cộng đồng, bảo đảm sự tham gia của cộng đồng trong lập quy hoạch nói chung, trong đó có quy hoạch đô thị, cần thiết phải xây dựng năng lực đồng bộ cho tất cả các bên có liên quan trong thực hiện quy hoạch, đặc biệt là năng lực quản lý của cấp chính quyền đô thị. Theo đó, tôi đề nghị cần có một số giải pháp như: Một là, hoàn thiện quy định pháp luật, cụ thể hóa các quy định về tổ chức thực hiện, làm rõ cơ chế đại diện cộng đồng. Quy định rõ về quy trình thực hiện, lấy ý kiến cộng đồng, cách thức tổ chức lấy ý kiến phải bảo đảm phản ánh trung thực nguyện vọng người dân, ý kiến phải được tổng hợp, đánh giá bằng văn bản. Hai là, bổ sung và hoàn thiện cơ chế tài chính. Bổ sung quy định về kinh phí cho việc lấy ý kiến cộng đồng, trong quá trình thiết kế quy hoạch cần bố trí ngân sách phù hợp và đủ để tiến hành lấy ý kiến cộng đồng theo phương án dự kiến".

Công bố công khai thông tin quy hoạch - một vấn đề tưởng chừng như đơn giản chỉ là một cú kích chuột, nhưng việc thực hiện trên thực tế lại rất khó khăn. Việc công bố, công khai thông tin quy hoạch ở một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục, chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin quy hoạch có hiệu quả. Đó là chưa nói đến nội dung công bố thông tin quy hoạch còn rất hình thức, nhiều nội dung công bố chỉ có quyết định mà không có bản vẽ bản đồ cụ thể. Tới đây, rất cần thực hiện đúng, đủ và triệt để việc công bố công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, có biện pháp chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm, hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.