Góc nhìn hôm nay: Dịch bệnh tăng mạnh, đến bao giờ mới có thể an tâm học trực tiếp?

Việc dạy và học dù là trực tuyến hay trực tiếp cũng phải đảm bảo chất lượng, ổn định tâm lý-không gian cho học sinh nhưng vẫn phải an toàn sức khỏe cho học sinh cùng đội ngũ giáo viên. Vấn đề này đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình cuối tuần qua, với sự tham gia của các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế cùng nhiều chuyên gia liên quan.

Thực tế cho thấy, tâm lý chung của đa phần học sinh và giáo viên là muốn dạy và học trực tiếp sau thời gian dài
học trực tuyến ở nhà. Nhưng, dịch bệnh liên tục tăng mạnh, vừa gây áp lực cho đội ngũ giáo viên, các cơ sở giáo dục, vừa tạo tâm lý lo sợ con em nhiễm bệnh khi đi học ở cha mẹ học sinh.

Quyết tâm chính trị phải đưa học sinh-sinh viên trở lại trường, là quyết định dũng cảm được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế sau khi cân nhắc nhiều yếu tố. Tuy vậy, số ca nhiễm Covid từ sau Tết Nguyên đán liên tục tăng cao, đã vượt mốc 80 nghìn ca mỗi ngày. Hà Nội đứng đầu cả nước nhiều ngày qua và đã vượt ngưỡng 10 nghìn ca nhiễm. 

Từ phiên giải trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hướng dẫn các địa phương điều trị, sử dụng thuốc chữa bệnh cho F0 trẻ em nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh, đồng thuận trong dư luận xã hội. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo ký văn bản gửi UBND TP. Hà Nội về việc tổ chức học bán trú khi học sinh đi học trực tiếp trở lại và thực hiện nguyên tắc: Hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các lớp, ưu tiên ăn nghỉ tại lớp, học sinh ăn trưa tại trường theo suất ăn riêng, không dùng chung đồ dùng cá nhân, đảm bảo vệ sinh khử khuẩn khu vực nhà ăn, bếp ăn và an toàn thực phẩm. Nghĩa là sẽ thêm việc và thêm kinh phí với các trường học để đảm bảo dạy và học trực tiếp.

Nhưng, chiều tối ngày 27/.2, TP.Hà Nội ký văn bản hỏa tốc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị xã chuyển sang học trực tuyến từ ngày 28/2 đến khi có thông báo mới, để phòng chống dịch Covid-19. Quyết tâm đã có, nhưng dịch bệnh lại thách thức kế hoạch học trực tiếp. Phương án kết thúc năm học và thi tốt nghiệp THPT năm 2022 giờ đây phụ thuộc vào Bộ Giáo dục và Đào tạo, để các địa phương, các trường học chủ động ứng phó với dịch bệnh tăng mạnh. 

Mời quý khán giả theo dõi nội dung chi tiết trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và trang chủ Quochoitv.vn

Ngọc Dũng