• 1348 lượt xem
  • 06:52 24/08/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Giải quyết bài toán thiếu giáo viên như thế nào?

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm học 2021-2022, cả nước còn thiếu trên 94.000 giáo viên các cấp, trong đó riêng bậc mầm non thiếu trên 48.700 giáo viên, tiểu học thiếu trên 20.000 giáo viên. Tình trạng thừa - thiếu giáo viên đang đặt ra thách thức lớn đối với ngành giáo dục trong thực hiện NQ số 29 NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới

Vậy giải quyết bài toán thiếu giáo viên như thế nào để đảm bảo nơi nào có trò, nơi đó có thầy? Đào tạo giáo viên ra sao để gắn với nhu cầu bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục? Trước tiên, xin mời quý vị và các bạn theo dõi phần tổng hợp ngắn của chúng tôi.

NHIỀU TỈNH THÀNH THIẾU GIÁO VIÊN TRẦM TRỌNG

Năm học 2022-2023, hàng loạt các địa phương đồng loạt kêu thiếu giáo viên ở các cấp học... Thanh Hóa là tỉnh thiếu nhiều giáo viên nhất cả nước, toàn tỉnh đang thiếu 8.968 giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý so với quy định của T.Ư. Trong đó, bậc mầm non thiếu 4.174 người, tiểu học thiếu 3.380 người, THCS thiếu 1.096 người, và THPT thiếu 318 người. Tiếp đến là Nghệ An, tỉnh đang thiếu trên 7.800 giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất là bậc mầm non với hơn 6.000 người và tiếp đó là tiểu học, THCS và THPT. Tỉnh Bình Dương và Phú Thọ, năm học 2022-2023, số giáo viên trên địa bàn mỗi tỉnh thiếu khoảng 3.000 người. Còn tại TP Hồ Chí Minh, trong năm học mới, thành phố cần tuyển 5.241 giáo viên từ bậc mầm non đến THPT. Một số môn học hiện nay thiếu GV trầm trọng, như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh. Theo dự báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở tất cả các khối lớp, ngành Giáo dục sẽ phải bổ sung hơn 11.300 giáo viên Ngoại ngữ và gần 7.300 giáo viên Tin học ở cấp Tiểu học; trên 5.300 giáo viên Nghệ thuật ở cấp Trung học phổ thông.

Năm học tới thực sự là thách thức với ngành giáo dục khi hàng loạt môn học mới được đưa vào giảng dạy nhưng giáo viên lại thiếu trầm trọng. Tại Thành phố HCM, riêng học sinh cấp THCS tăng gần 14.000 em. Một số quận, huyện như Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn… gặp khó trong việc tuyển giáo viên, nhất là giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Mỹ thuật. Ghi nhận của phóng viên THQHVN.

Năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh, gia đình chị Hồ Thị Ngọc Như quyết định rời TPHCM về quê Bạc Liêu. Mong muốn ổn định cuộc sống ở quê không thành vì khó tìm việc, chị đưa con trở lại TPHCM.

Chị HỒ THỊ NGỌC NHƯ - TPHCM: “Về quê tính ở quê luôn, nhưng cuộc sống không ổn định nên tôi quay lại TPHCM, cho bé học ở đây.” 

Đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến số học sinh THCS năm 2022-2023 tăng. Ngoài ra, do Bình Tân và một số nơi như TP Thủ Đức, quận 12, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn đang đô thị hóa nhanh, tập trung khu công nghiệp, dẫn đến dân số tăng cơ học cao.

Thầy NGÔ VĂN TUYÊN – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân, TPHCM: “Hằng năm, Bình Tân tăng 3.000 – 5.000 học sinh công lập. Lớp 6, 7 không thể thực hiện 100% học sinh học 2 buổi/ngày, đó là phần quận đang lo. Học sinh tăng nữa thì học 2 buổi/ngày giảm tiếp, cấp THCS giảm cỡ 20%.” 

Học sinh tăng, trường lớp quá tải, và giáo viên thì… vẫn thiếu. Áp lực đè lên vai những giáo viên cơ hữu như cô Vân, đang dạy môn Công nghệ.

Cô NGUYỄN THỊ VÂN – Trường THCS Bình Hưng Hòa, TPHCM: “Gần như những công việc chuyên môn, từ chuyên đề của trường, quận là không biết chia sẻ với ai. Gần như một mình mình làm. Bận công việc gia đình, sức khỏe không đảm bảo cũng cố không nghỉ vì không có giáo viên dạy thế, việc sắp xếp lịch dạy thay bất cập.” 

Thầy NGUYỄN THANH LIÊM – Hiệu trưởng trường THCS Bình Hưng Hòa, TPHCM: “Quận giao cho trường là 119 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó là 111 giáo viên. Nhưng kể cả năm rồi và năm nay, mình chỉ có 81 giáo viên".

Năm học 2022-2023, riêng khối THCS, TPHCM có nhu cầu tuyển dụng 1.698 giáo viên. Sở Giáo dục và Đào tạo TP đang đặt hàng các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực cho những bộ môn thiếu nhiều giáo viên, đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các nghệ sĩ, nghệ nhân có tốt nghiệp đại học về chuyên ngành để giảng dạy.

THIẾU GIÁO VIÊN ẢNH HƯỞNG TỚI DẠY HỌC

Năm học 2022-2023 này thực hiện việc thay sách theo hình thức cuốn chiếu ở cả 3 cấp học: lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Thế nhưng, nhìn vào hiện trạng thiếu trầm trọng giáo viên diễn ra ở các cấp học, điều dư luận băn khoăn và lo ngại về hiệu quả là hoàn toàn có cơ sở. Chúng tôi sẽ kết nối điện thoại để phỏng vấn ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT.

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ VỚI GIÁO VIÊN

Chất lượng giáo dục có hay không đều phụ thuộc vào giáo viên, giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vậy, để giải bài toán về thừa thiếu giáo viên cục bộ, phải có sự vào cuộc của các bộ ngành khác và UBND các tỉnh, thành phố, chứ không riêng gì Bộ GD&ĐT. 

Do thiếu giáo viên nên hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang chưa bổ nhiệm 258 phó hiệu trưởng để ưu tiên tuyển dụng giáo viên đứng lớp. Ngoài ra, tỉnh còn thiếu nguồn giáo viên Tiếng Anh và Tin học để tuyển dụng thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới do thiếu chỉ tiêu biên chế và thiếu nguồn tuyển.

Ông NGUYỄN VĂN SƠN, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang: “Đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế với những tỉnh còn thiếu giáo viên nhiều như tỉnh Tuyên Quang, đồng thời bổ sung số người còn thiếu được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục của tỉnh do tăng số lớp, số học sinh hoặc cấp kinh phí hỗ trợ theo định mức biên chế của Bộ Giáo dục để các cơ sở giáo dục công lập, hợp đồng được thêm người hoặc chi tiền dạy thêm giờ theo quy định." 

Theo GS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐHSP HN, đổi mới chương trình GDPT nhưng ngành giáo dục vẫn còn nhiều việc ngổn ngang, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành vì có những việc như biên chế giáo viên, một mình Bộ GD&ĐT không thể giải quyết được. 

GS NGUYỄN VĂN MINH, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội: “Nghị định 116 là giải pháp ưu việt thu hút người giỏi theo học và phục vụ trong ngành sư phạm. Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là việc làm của sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp, là chế độ chính sách, cơ hội phát triển của đội ngũ giáo viên. Tôi nghĩ rằng đây là việc lớn mà tầm của Bộ GD&ĐT không giải quyết được".

Tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với những khó khăn mà các địa phương đưa ra, đồng thời nhấn mạnh, cần thông cảm cho ngành giáo dục, bởi ngay cả Bộ trưởng Giáo dục cũng không có thẩm quyền quyết định một số điều kiện đảm bảo cho việc giáo dục như lương, biên chế, trường lớp.

Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM: “ Phải chủ động rà soát, đề xuất để có thể lo được lương cho giáo viên để giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, lấy biên chế đó cho các vùng nông thôn để đủ giáo viên, gắn với nó là trường lớp, để học sinh được học ngày 2 buổi thuận lợi. Ứng dụng công nghệ để nắm nguồn lực ngành về giáo viên và cơ sở vật chất, gắn với thông tin dân số của địa bàn để toàn ngành và từng địa phương chủ động." 

Sau bao năm chuẩn bị cho lần thay sách rầm rộ này, dường như mọi thứ vẫn còn gập ghềnh, đặc biệt là khâu xây dựng phương án đào tạo, tuyển dụng đội ngũ giáo viên. 

GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO GIÁO VIÊN

Sức nóng của câu chuyện thiếu giáo viên đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt là trong giai đoạn đã triển khai và áp dụng sách giáo khoa mới trong năm học 2022 - 2023. Vậy đâu là giải pháp nên thực hiện? 

Chúng ta sẽ tiếp tục lắng nghe cuộc trò chuyện với ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT.

Việc thiếu trầm trọng giáo viên dạy môn học mới khiến dư luận không khỏi lo lắng cho nền tảng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và hiệu quả của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục mà chúng ta đang theo đuổi. Lẽ ra, ngay từ những ngày đầu xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ cần tính toán sát sao về đội ngũ nhân lực, phối hợp với các ban ngành liên quan lên kế hoạch đào tạo giáo viên cho môn học mới, xây dựng đề án tuyển dụng giáo viên đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới giáo dục. Chỉ tiếc là sau bao nhiêu năm chuẩn bị, đến lúc bắt tay tiến hành thay sách lớp 3, 7 và 10 mới lộ ra việc thiếu trầm trọng giáo viên. Bởi, tình trạng thừa - thiếu giáo viên đã xảy ra nhiều năm nay ở nhiều địa phương, trường học. Tuy nhiên, bài toán này rất khó giải vì liên quan đến nhiều cơ chế, chính sách. Nhất là hiện nay, ngành Giáo dục vẫn còn phải thực hiện tinh giản biên chế theo quy định nên không thể một sớm một chiều và đơn phương ngành có thể giải quyết được. Vì thế, ngành Giáo dục rất cần sự sẻ chia của các ngành, các cấp có thẩm quyền để khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên hiện nay. 

Khánh Hà