• 4645 lượt xem
  • 07:13 15/04/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy tại các thành phố lớn - Cần một lộ trình phù hợp

Ngày 5/04 vừa qua, Chính phủ có Nghị quyết tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Theo đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ được giao tiến tới hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy trên một số quận sau năm 2030.

Chủ trương này nhằm hạn chế số lượng ô tô, xe máy vào các thành phố lớn. Tuy nhiên, để hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy trên một số địa bàn cần một lộ trình và cách làm phù hợp. 

Với thành phố Hà Nội - trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước, dân cư và lượng xe đông đúc, đường phố thường xuyên ùn tắc, vấn đề hạn chế xe cá nhân ngày càng trở nên cấp bách. Từ khoảng 10 năm gần đây, thành phố cũng đã phê duyệt các đề án, lộ trình hạn chế xe cá nhân và phát triển vận tải hành khách công cộng với quan điểm hạn chế xe máy chính là một trong những giải pháp quan trọng nhằm kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, quan điểm này lại chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân đã quen với việc sử dụng phương tiện xe máy tham gia giao thông.

Là hai trục đường hướng tâm lưu lượng phương tiện giao thông rất lớn, mặc dù phương tiện vận tải công cộng xe buýt, buýt nhanh BRT dày đặc nhưng hai tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi ở Hà Nội vẫn thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Sở GTVT thành phố Hà Nội đã từng đưa ra đề xuất thí điểm cấm xe máy tại các tuyến đường này nhưng chưa thể thực hiện được do vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí gay gắt từ phía người dân và dư luận. Điều này không khó hiểu khi nghe đến thông tin cấm xe máy thì nhiều người dân tỏ ra bất ngờ và lo lắng.

Ông Nguyễn Quý Hưng, người kinh doanh tại đường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Nội: “Nếu cấm xe máy, buôn bán ở đây sẽ xóa sổ, không ai buôn bán được nữa, người dân đi lại chợ mua rau cỏ cũng không làm được gì. Nhất trí cấm, nhưng từ từ từng bước để có đầy đủ phương tiện cho dân đi, chứ cấm ngay một lúc thì chưa được.”

Người kinh doanh tại đường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Nội: “Nếu cấm thì bất lợi cho việc kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi làm ăn chủ yếu là đi xe máy đến 90%. Nếu nhà nước đưa ra cấm như thế thì thực sự chúng tôi rất lo lắng.”

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã phê duyệt các đề án phát triển vận tải hành khách công cộng. Không thể phủ nhận những lợi ích mà các phương tiện công cộng này mang lại. Tuy nhiên vẫn còn không ít bất tiện khiến người dân không có cơ hội hoặc chưa mặn mà sử dụng dịch vụ công cộng hàng ngày. 

Người tham gia giao thông: Các ga bến đỗ cách rất xa nơi người dân đi làm, tôi nghĩ thành phố cần khảo sát, xem lại lấy ý kiến người dân về lộ trình cấm xe máy.

Nhìn từ trên cao có thể thấy, trong khi các đô thị, các khu dân cư và nhà cao tầng mọc lên từng ngày thì hạ tầng giao thông lại khó có thể phình ra kịp để phục vụ cho lượng người và phương tiện tham gia giao thông. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì đi tìm các giải pháp cấm xe máy, ngành giao thông vận tải hãy cải thiện hệ thống giao thông công cộng, cùng với điều kiện đường sá và nhất là quan tâm bài toán quy hoạch đô thị.

Còn nhớ vào thời điểm cuối năm 2021, thực hiện Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội đã đề ra lộ trình, từ sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm thành phố. 

Ngoài ra, sau năm 2030, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng. Thông tin này khi đó cũng đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Và hiện nay, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 48 ngày 5/4/2022 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025 đã cho thấy quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó có hạn chế xe máy. 

Nghị quyết của Chính phủ đã thể hiện quyết tâm giải quyết vấn nạn giao thông và ô nhiễm môi trường của các thành phố lớn. Tuy nhiên, để xây dựng và triển khai thành công Đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy còn phải trả lời được nhiều câu hỏi đặt ra. Ví dụ như: Năm 2025 Hà Nội cấm xe máy chạy vào thành phố từ vành đai 3 trở vào - vậy khi đó thành phố có phương tiện gì cho nhân dân đi? Về vấn đề này, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã phỏng vấn ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam: “Nếu như hệ thống vận tải công cộng của nước ta không đáp ứng tỷ trọng trên 50% nhu cầu đi lại của người dân thì nói đến hạn chế phương tiện cá nhân vào trung tâm là còn quá sớm.”

TS. Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink: “Cần nghiên cứu cơ sở pháp lý, khuôn khổ luật pháp có cho phép hay không. Nghiên cứu đến tâm lý người dân doanh nghiệp và các đối tượng liên quan. Nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đến kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh.”

TS. Phan Lê Bình, Chuyên gia giao thông: “Nên chăng đề xuất hạn chế ở một số trục nhất định như trục phía Tây hoặc Tây Nam - nơi có đường sắt đô thị. Nên áp dụng ở nơi có giao thông công cộng mạnh thì mới thuyết phục được dân. Nếu đưa ra quy định cấm xe máy thì người dân đi bằng gì, nếu chỉ bằng xe bus thì không đủ.”

PGS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội: Chỉ khi nào đáp ứng 100% nhu cầu người dân khi đấy mới có thể đề cập đến cấm phương tiện cá nhân. Nếu Hà Nội có biện pháp thần tốc thì vẫn có thể áp dụng được nhưng thực tế tốc độ phát triển giao thông công cộng quá chậm.”

Các chuyên gia về giao thông và quy hoạch đô thị đã cho chúng ta góc nhìn khá toàn cảnh cho Đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy. Nhìn từ góc độ quản lý, đây là việc làm cần thiết nhưng để triển khai thực hiện thành công chắc chắn sẽ không đơn giản. 

Hạn chế phương tiện cá nhân là một trong những giải pháp quan trọng nhằm kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, vì vậy, việc xây dựng và thực hiện Đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy tại 5 thành phố lớn là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế triển khai hoạt động này trong gần 10 năm qua ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy việc này không hề đơn giản. Bởi việc đi lại của con người là bắt buộc, là tất yếu, gắn liền với việc sinh tồn và phát triển, chúng ta không thể hạn chế bằng những mệnh lệnh bắt buộc. 

Vì vậy, trong quá trình triển khai cần kết hợp hài hòa giữa giải pháp hành chính và kinh tế, triển khai theo lộ trình cụ thể, hợp lý để nhận được sự đồng thuận chung. Theo chúng tôi, nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng cũng phải được đặt ra và cùng với đó là quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm nhằm kéo giãn mật độ dân cư ở khu vực trung tâm; tạo nguồn thu hỗ trợ phát triển giao thông công cộng; thực hiện các dự án giao thông thông minh; sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca.